![]() |
|
|
Luật đầu tư nước ngoài ra đời vào năm 1987 nhưng đến năm 1993 Tây Ninh mới có được 2 dự án FDI đầu tiên, với số vốn khá khiêm tốn (3,86 triệu USD). Đến năm 1995-1996, cũng như tình hình chung cả nước, đầu tư tại tỉnh khởi sắc hơn. Năm 1995 có 6 dự án với số vốn đăng ký 147,78 triệu USD. Năm 1996 có 6 dự án với vốn đăng ký 20,25 triệu USD. Trong các năm tiếp theo 1997-1999, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, tình hình đầu tư tại tỉnh lại giảm sút.
Đến năm 2000, huyện Trảng Bàng thành lập khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh, việc thu hút đầu tư vào tỉnh dần dần được cải thiện hơn. Mặt khác, đến năm 2005, Luật Đầu tư (chung cho đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài) được ban hành. Từ đó tình hình thu hút đầu tư của tỉnh có bước đột phá mới, số lượng dự án và số vốn đăng ký tăng gấp 3 lần so với năm 2000. Tuy vậy, dòng vốn FDI vào tỉnh lại giảm vào năm 2009 và năm 2010 do ảnh hưởng của làn sóng suy giảm kinh tế thế giới.
Tính đến hết tháng 3.2012, toàn tỉnh có 206 dự án 100% vốn FDI với tổng vốn đăng ký 1.431,687 triệu USD. Các dự án FDI của tỉnh chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực chế biến (179 dự án), xây dựng-kinh doanh bất động sản (4 dự án), nông-lâm-thuỷ sản (15 dự án), dịch vụ (1 dự án), vận tải (1 dự án).
Mặc dù tỉnh Tây Ninh đã đạt kết quả tương đối khả quan trong công tác kêu gọi và thu hút vốn FDI trong giai đoạn 2006-2012 nhưng vẫn còn không ít hạn chế, khó khăn. Số lượng dự án thu hút đầu tư còn ít, vốn nhỏ, lĩnh vực thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế, chủ yếu là may mặc, giày da, chế biến nông sản, chưa thu hút được nhiều dự án điện tử và các dự án công nghệ kỹ thuật cao. Việc xúc tiến đầu tư cũng như danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh chưa có sức hấp dẫn các nhà đầu tư; chưa khai thác được lợi được thế của hệ thống công nghệ thông tin trong việc kêu gọi đầu tư… Các DN đầu tư hạ tầng trên địa bàn tỉnh tham gia vào công tác xúc tiến đầu tư còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp còn khá hạn chế. Các dịch vụ phục vụ không thể tách rời khu công nghiệp như nhà ở công nhân, giao thông công cộng, vui chơi giải trí… phần lớn mang tính chất tự phát chưa được tổ chức thực hiện theo quy hoạch. Nguyên nhân chính là do nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng từ ngân sách còn quá hạn hẹp, cơ chế chính sách huy động các nguồn vốn khác chưa mạnh làm cho các DN chưa mạnh dạn đầu tư.
Đáng chú ý là chất lượng dự án đầu tư FDI vào Tây Ninh chưa cao, cơ cấu đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đồng bộ. Ít DN đến Tây Ninh từ Hoa Kỳ và các nước Châu Âu- những quốc gia phát triển cao về kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Cơ cấu ngành kinh tế chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp; thương mại-dịch vụ chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Một trong những khó khăn nhất về thu hút đầu tư FDI trong thời gian qua là do vướng mắc trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng. Mặc dù lãnh đạo địa phương rất quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các nhà đầu tư FDI triển khai dự án, nhưng thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án đầu tư còn mất nhiều thời gian, rườm rà. Điều này đã gây tâm lý e dè cho nhà đầu tư đối với thủ tục hành chính ở địa phương.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng chất lượng các dự án
Trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2011-2015 thì FDI có một vị thế, vai trò hết sức quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Nhiệm vụ cụ thể mà Đảng bộ tỉnh đặt ra là phải tiếp tục cải thiện môi trường thu hút FDI, tạo sự bình đẳng, minh bạch, ổn định và thông thoáng trong đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là các nhà đầu tư FDI phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Để việc thu hút vốn FDI tốt hơn, trong thời gian tới Tây Ninh phải thực hiện tốt các giải pháp như: hoàn thiện các văn bản về Luật Đầu tư; cán bộ các sở ngành phải tận tình hướng dẫn thủ tục đầu tư và cùng nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn trong quá trình chuẩn bị đầu tư; chính quyền địa phương phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các dự án FDI; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng mà nhất là hạ tầng giao thông; chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt quy hoạch, làm cơ sở thu hút và kêu gọi đầu tư FDI giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo; hoàn thành cơ bản việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực sản xuất trọng yếu; đẩy mạnh phát triển và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là việc hợp tác và chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các dự án FDI; khuyến khích phát triển các dự án công nghệ cao, chú trọng việc chuyển giao công nghệ mới thông qua các hoạt động hợp tác kinh tế, các hoạt động FDI và các hoạt động thuơng mại quốc tế; xây dựng và hỗ trợ phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân ngày càng tăng về số lượng, mạnh về chất lượng; tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả của công tác hợp tác phát triển với các tỉnh, thành phố trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, các tập đoàn kinh tế; hợp tác phát triển với Vương quốc Campuchia nhằm huy động các nguồn lực, tạo sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
(Theo BTNO)
Ý kiến bạn đọc