Tăng cường công tác điều trị, phòng, chống lây nhiễm cúm A/H1N1 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Thứ hai - 06/08/2018 10:00 87 0

Theo số liệu giám sát cúm mùa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ trong 02 tuần cuối tháng 5/2018 đã có hơn 68.000 mẫu xét nghiệm cúm, đã ghi nhận 2.300 mẫu dương tính với cúm, trong đó có gần 70% là cúm A, 30% là cúm B. Đặc biệt, trong các tuýp cúm A thì 75% là tuýp cúm A/H1N1, còn lại là cúm A/H3N2 chiếm 25%.

Tại Việt Nam, theo số liệu của hệ thống giám sát cúm quốc gia, trong những năm gần đây và những tháng đầu năm 2018, cúm A/H1N1 chiếm khoảng 20% - 50% trong số các chủng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam, còn lại là cúm A/H3N2 và cúm B. Hơn nữa, từ đầu tháng 6/2018 đến nay, đã phát hiện cúm A/H1N1 tại một số tỉnh, thành phố và có dấu hiệu lan rộng; Cụ thể tại TP. Hồ Chí Minh đã xuất hiện 2 chùm ca bệnh cúm A/H1N1 ngay tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Từ Dũ, đã ghi nhận hơn 100 người bệnh phải nhập viện điều trị, cách ly; đặc biệt đã có 03 người đã tử vong và một số nhân viên của hai bệnh viện trên có biểu hiện nhiễm cúm A/H1N1. Một số chùm ca nhiễm cúm A/H1N1 và sởi đã xuất hiện tại một số bệnh viện ở một số địa phương.

Để tăng cường các biện pháp điều trị, phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm cúm A/H1N1 và lây nhiễm sởi trong cơ sở khám, chữa bệnh cho người bệnh, nhân viên y tế, phòng chống lây lan ra cộng đồng, đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong do cúm A/H1N1, sởi gây nên và thực hiện Chỉ thị số 746/CT-BYT ngày 25 tháng 7 năm 2018 của Bộ Y tế, Văn phòng UBND tỉnh đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện theo nội dung Chỉ thị số 746/CT-BYT và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện theo quy định.

Chỉ thị số 746/CT-BYT yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện nghiêm chỉnh và đồng bộ một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Giám đốc Sở Y tế tăng cường chỉ đạo, triển khai các giải pháp nhằm phát hiện sớm các nghi ngờ hoặc mắc cúm A/H1N1, sởi tại các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm các quy định về nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai việc khám sàng lọc, phân luồng cách ly ngay các trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1, sởi ngay tại khoa khám bệnh, bố trí bàn khám riêng đối với các trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo cho các trường hợp khác đến khám bệnh.

Bố trí khu vực cách ly để điều trị với người bệnh nghi hoặc nhiễm cúm, sởi tại các tại khoa Truyền nhiễm. Trường hợp người bệnh mắc cúm, sởi bắt buộc điều trị tại khoa lâm sàng khác, phải bố trí khu cách ly điều trị tại khoa đó, không bố trí nằm chung buồng với các trường hợp mắc bệnh khác.

Thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa bổ sung theo đường lây truyền, bảo đảm việc cung ứng và sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân cho mọi nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và khách đến thăm. Thực hiện đúng các quy định về quản lý chất thải, đồ vải, xử lý dụng cụ và thiết bị y tế, thông khí buồng bệnh và quy trình một chiều trong kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

Tăng cường công tác truyền thông tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly và điều trị kịp thời, đặc biệt quan tâm đến các trường hợp mắc bệnh mạn tính, trẻ em mắc bệnh bẩm sinh chưa được tiêm vắc xin cúm, sởi đang nằm điều trị, nếu phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ cần xét nghiệm và chẩn đoán, cách ly và điều trị kịp thời.

                                                                                       KGVX

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây