Tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, quản lý chất thải

Thứ năm - 13/08/2015 12:00 46 0
Trong 6 tháng đầu năm 2015, công tác kiểm soát ô nhiễm tiếp tục được coi là hoạt động trọng tâm trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

23012013nghiemtrong.jpg

Ảnh minh họa

Hoạt động quan trắc môi trường ở cả Trung ương và địa phương được duy trì và phát triển, từng bước được quy hoạch gắn liền với quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn. Ở cấp Trung ương, đang tiếp tục duy trì 07 chương trình quan trắc môi trường tại các lưu vực sông và 05 chương trình quan trắc môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm . Ở cấp địa phương, tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2015, đã có hơn 100 đơn vị được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện dịch vụ quan trắc môi trường, tổ chức triển khai thực hiện hàng trăm chương trình quan trắc môi trường.

Cùng với việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm đối với từng thành phần môi trường nước, đất, không khí, trong thời gian qua, hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các nguồn gây ô nhiễm môi trường cũng được triển khai tích cực, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, làng nghề, các đô thị, các lưu vực sông bị ô nhiễm nặng; qua đó cung cấp các thông tin cần thiết cho công tác giáo dục truyền thông, xây dựng các chương trình, dự án khắc phục ô nhiễm. Theo số liệu thống kê đến cuối tháng 6 năm 2015, trong tổng số 214 khu công nghiệp đang hoạt động trong cả nước có 166 khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm 78%), 24 khu công nghiệp đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải (chiếm 11%). Công tác kiểm tra, giám sát và bảo vệ môi trường làng nghề cũng được quan tâm thông qua việc triển khai có hiệu quả Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 ; tập trung triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015 với trọng tâm ưu tiên khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề tại 47 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng .

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhập khẩu phế liệu cũng từng bước được điều chỉnh và đạt được kết quả nhất định. Một số văn bản quan trọng quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu  đã được ban hành. Công tác theo dõi, cập nhật tình hình nhập khẩu, sử dụng phế liệu trên phạm vi cả nước cũng được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, qua đó góp phần kiểm soát chặt chẽ việc phá dỡ, thu hồi phế liệu, xử lý và tiêu hủy chất thải theo đúng quy định, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu hoạt động thuận lợi đúng pháp luật .

Công tác xử lý chất thải nguy hại được quy định và quản lý chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, thông qua việc cấp phép, kiểm tra giám sát các đơn vị xử lý chất thải nguy hại. Tính đến tháng 6 năm 2015, trên toàn quốc có 83 doanh nghiệp với 56 đại lý có địa bàn hoạt động từ hai tỉnh trở lên và khoảng 130 đơn vị (chủ yếu là đơn vị vận chuyển chất thải nguy hại) được các Bộ, ngành và địa phương cấp phép đang hoạt động. Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 6 tháng đầu năm đã cấp mới, gia hạn, điều chỉnh 36 lượt Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại. Tổng số lượng chất thải nguy hại được thu gom, xử lý được trong 6 tháng đầu năm 2015 là 166.025 tấn.

Tại Tây Ninh, hoạt động quan trắc được duy trì. 6 tháng đầu năm 2015, công tác quan trắc môi trường nước mặt, nước ngầm, môi trường đất, không khí được triển khai định kỳ. Hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các nguồn gây ô nhiễm môi trường cũng được triển khai tích cực, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, làng nghề. Trong 6 tháng đầu năm 2015, tỉnh đã tích cực chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung xử lý triệt để việc xả nước thải các Khu Công nghiệp, Khu chế xuất, nhà máy chế biến mía đường, chế biến tinh bột khoai mì, cao su, Bệnh viện và các cơ sở sản xuất đang hoạt động trên lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, phải xử lý đạt cột A, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở chưa nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt cột A, đặc biệt là các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì và cao su. Các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ ít gây ô nhiễm và lắp đặt thiết bị xử lý chất thải để bảo vệ môi trường theo quy định.Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Các khu công nghiệp đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu gom nước thải và nước mưa riêng biệt, các khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt Quy chuẩn quy định (QCVN 40:2011/BTNMT cột A) trước khi xả ra môi trường. Bên cạnh đó, trong thời gian qua việc nhập khẩu phế liệu của cá doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc.

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây