Tăng cường công tác phối hợp hoạt động liên ngành trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại cửa khẩu

Thứ hai - 13/10/2014 00:00 60 0
Trong 10 năm trở lại đây, thế giới ghi nhận hàng loạt vụ dịch truyền nhiễm xuất hiện với số ca mắc bệnh và tử vong tăng cao, tập trung nhiều ở Châu Á, như năm 2003, cả thế giới đều phải đối mặt với căn bệnh nguy hiểm SARS, sau này là cúm A/H5N1, MERS-Cov, cúm A/H7N9 của Trung Quốc, coronavirus gây hội chứng hô hấp ở Trung Đông. Đáng lo ngại là đến 75% bệnh truyền nhiễm xuất hiện có nguồn gốc từ động vật.

 

Bác sĩ Trần Văn Bé - Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh phát biểu ghi nhận tại buổi hội thảo (Thùy Dương)

Đặc biệt, bệnh truyền nhiễm được báo động trên toàn thế giới hiện nay là dịch Ebola tại các nước Châu Phi với khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao. Đây không còn là bệnh của khu vực Châu Phi mà đã vượt khỏi tầm kiểm soát, trở thành mối đe dọa toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 5/9/2014, có 3.944 trường hợp mắc, trong đó có 2.097 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong do căn bệnh nguy hiểm Ebola từ 24-89%, tùy từng  vùng. Hiện Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào nhưng nguy cơ Ebola xâm nhập nước ta là hoàn toàn hiện hữu.

Nguyên nhân của các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi là do quá trình toàn cầu hóa giao thương đi lại, sự thay đổi khí hậu, môi trường; sự kháng thuốc gây khó khăn cho việc triển khai loại trừ bệnh. Việc giải quyết mầm bệnh trên động vật nuôi còn nhiều bất cập. Sự miễn dịch của cộng đồng và sư di dân cũng đóng góp vào việc lan truyền, bùng phát bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, người dân còn chưa tích cực tham gia vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm. những nguyên nhân trên đã làm thay đổi đặc tính di truyền học của vi rút theo hướng thích nghi và dễ lây lan sang người lớn, đồng thời làm giảm khả năng đáp ứng của con người.

Tây Ninh là một trong những địa phương có điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, có 2 cửa khẩu quốc tế diễn ra hoat động giao thương nhộn nhịp giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia. Mặt khác, Tây Ninh cũng là nước có chung đường biên giới dài với Campuchia là quốc gia trong 2 năm (năm 2013, 2014) dẫn đầu thế giới về  số ổ dịch cúm A/H5N1 trên cả người và gia cầm, cho thấy nguy cơ rất cao lây truyền cúm A/H5N1 từ việc chăn nuôi gia cầm chạy đồng trong vùng biên giới của 2 nước và người dân qua lại biên giới.

Nhận thức rõ về việc phòng, chống bệnh truyền nhiễm xâm nhập qua biên giới là trách nhiệm của một tỉnh biên giới với an ninh y tế của cả nước. Sở Y tế Tây Ninh trong nhiều năm qua đã phối hợp với các ban, ngành trong việc phòng, chống bệnh truyền nhiễm qua khu vực biên giới. Qua đó, tỉnh Tây Ninh đã chủ động và phát huy được sức mạnh của tất cả các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh về phòng, chống dịch bệnh. Bằng cách phối hợp liên ngành, các đơn vị sẽ tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh sẽ được tiến hành chặt chẽ và hiệu quả hơn. 

Trước tình hình đó, Ban Quản lý Dự án Phòng, chống bệnh truyền nhiễm khu vực tiểu vùng sông Mê Kông tỉnh Tây Ninh (giai đoạn 2011 - 2015) đã tổ chức hội thảo đóng góp Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, công tác phối hợp liên ngành về phòng, chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở người khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Thành viên của Ban chỉ đạo là đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, UBND huyện có đường biên giới giáp Vương quốc Campuchia. Theo quy chế, Ban Chỉ đạo có chức năng tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người khu vực biên giới, đồng thời hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của công tác phòng chống dịch ở khu vực này. Quy chế cũng quy định cụ thể nhiệm vụ của Ban chỉ đạo, thường trực ban chỉ đạo và các thành viên Ban chỉ đạo, như: Sở Y tế; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Khoa học và Công nghệ; sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Công thương; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tỉnh Đoàn; Bộ đội biên phòng tỉnh; Cục Hải quan; UBND các huyện có chung đường biên giới với Campuchia….

Quy chế cũng dự thảo các nguyên tác phối hợp, chế độ báo cáo, kiểm tra, quản lý, lưu trữ hồ sơ, dữ liệu đồng thời đề xuất những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh để được thảo luận, thống nhất tập thể trước khi trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Với hoạt động phối hợp liên ngành giữa các đơn vị có liên quan, công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người trên khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh sẽ được tiến hành chặt chẽ và hiệu quả hơn.

T.Giang

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây