Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Tay chân miệng trong trường học

Thứ hai - 15/10/2018 10:00 116 0
Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm và thống kê của Cục Y tế dự phòng, trong 9 tháng đầu năm 2018 Tây Ninh là một trong những tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây. Dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, đặc biệt trong mùa tựu trường, học sinh đang tập trung vào năm học mới và thời điểm hiện nay là cao điểm mùa bệnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 33 ổ dịch thuộc 8/9 huyện và đã có tử vong do Tay chân miệng. Trong tuần qua ghi nhận gia tăng trên 100 bệnh nhân. Đặc biệt xuất hiện các ổ dịch trong trường mầm non và mẫu giáo; Kết quả giám sát trọng điểm có xuất hiện vi rút Enterovirus 71 (EV71), loại có độc lực cao có thể dẫn đến biến chứng nặng và tử vong.

Nhằm tích cực phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cho trẻ em, không để xảy ra thêm các trường hợp tử vong. Sở Y tế vừa ban hành Công văn số 784/SYT-NVY đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh phối hợp với ngành y tế thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng trong trường học như sau:

Truyền thông tới từng hộ gia đình, đặc biệt là bà mẹ, người chăm sóc trẻ tại các hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi, giáo viên các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, lãnh đạo chính quyền, đoàn thể tại địa phương về bệnh tay chân miệng và các biện pháp phòng chống bệnh. Nội dung tuyên truyền cần làm rõ các nội dung mà người dân cần phải biết bao gồm: Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cao nhất là trẻ em dưới 5 tuổi; Bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu, nên việc mỗi người dân phải tự giác thực hiện các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi sinh hoạt là việc làm hết sức cần thiết; Tuyên truyền các triệu chứng chính của bệnh tay chân miệng, các dấu hiệu chuyển bệnh nặng: sốt, loét miệng, phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, đầu gối đặc biệt kèm theo dấu hiệu thần kinh hoặc tim mạch như sốt cao, giật mình, lừ đừ, run chi, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều, rung giật cơ, đi loạng choạng, da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh để người dân/người chăm sóc trẻ/cô giáo có thể tự phát hiện sớm bệnh nhân và đưa đến cơ sở y tế kịp thời; Thực hiện 3 sạch: ăn (uống) sạch; ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Tại các trường mẫu giáo, nhà trẻ: Thực hiện triệt để các biện pháp chung đã nêu trên; Trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước; Đảm bảo có đủ xà phòng và vòi nước rửa tay tại từng lớp học; Cô nuôi dy trẻ/thầy cô giáo cần theo dõi tình trạng sức khỏe cho trẻ hàng ngày. Khi phát hiện trong lớp, trong trường có trẻ nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo cho gia đình và cán bộ y tế để xử lý kịp thời. Tùy tình hình và mức độ nghiêm trọng của dịch, cơ quan y tế địa phương tham mưu cho cấp có thẩm quyền tại địa phương quyết định việc đóng cửa lớp học/trường học/nhà trẻ, mẫu giáo. Thời gian đóng cửa lớp học/trường học/nhà trẻ, mẫu giáo là 10 ngày kể từ ngày khởi phát của ca bệnh cuối cùng.

                                                                                       Song Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây