Tăng cường công tác phòng, chống sâu keo mùa Thu gây hại cây trồng trên địa bàn tỉnh

Thứ năm - 25/07/2019 11:00 57 0
Sâu keo mùa thu là loại sâu hại mới, xâm nhập vào Việt Nam từ tháng 4/2019, có tên tiếng anh là Fall Armyworm, tên khoa học là Spodoptera frugiperda. Đây là loài sâu hại có khả năng di trú rất xa, vòng đời ngắn, có nhiều lứa sâu đan xen nhau nên khó khăn cho công tác phòng, chống. Theo công bố của nhiều quốc gia, sâu keo mùa thu có khả năng gây hại nặng cho bắp và nhiều loại cây trồng khác. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ khi xuất hiện đến nay khoảng 4 tháng nhưng sâu keo mùa thu đã gây hại hầu hết các vùng trồng bắp trên cả nước với tổng diện tích nhiễm khoảng 15.000 ha, gây hại nặng ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Riêng khu vực Nam Bộ, sâu keo mùa thu đã xuất hiện gây hại tại 12/19 tỉnh thành, trong đó 02 tỉnh, thành giáp ranh Tây Ninh (Long An và thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã bị hại.

saukeo.jpg

Sâu keo phá hoại tại vườn bắp của một hộ dân huyện Tân Châu

Tại Tây Ninh, có một số loại cây thuộc đối tượng gây hại của sâu keo mùa thu như: bắp, mía, lúa, rau màu,… và các loại cây trồng này thường trồng gối vụ tạo điều kiện thuận lợi về nguồn thức ăn sẵn có để loài sâu hại này tồn tại, lây lan khi chúng xâm nhập vào và rất khó phòng trừ.

Tuy nhiên, với khả năng di trú xa của loài sâu hại này, từ ngày 18/7 – 23/7/2019, qua điều tra của cán bộ kỹ thuật Bảo vệ thực vật đã phát hiện sâu keo mùa thu xuất hiện gây hại cây bắp với diện tích 169 ha, trong đó: nhiễm nhẹ (66 ha), trung bình (87 ha) và nặng (16 ha). Phân bố tại 11 hộ trên địa bàn 6 xã thuộc 3 huyện: Dương Minh Châu (90 ha, 03 xã) Gò Dầu (57 ha, 01 xã) và Tân Châu (22 ha, 02 xã).

Hiện nay, diện tích trồng bắp hiện còn trên đồng toàn tỉnh khoảng 337 ha và theo kế hoạch vụ Mùa 2019 toàn tỉnh sẽ trồng khoảng 1.350 ha. Trước tình hình sâu keo mùa thu xâm nhập gây hại cây bắp trên địa bàn tỉnh. Ngày 25/7/2019, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn số 1610/UBND-KTTC đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương phối hợp UBND các huyện: Dương Minh Châu, Gò Dầu và Tân Châu, hướng dẫn các hộ dân trồng bắp có diện tích nhiễm sâu keo mùa thu thực hiện các biện pháp phòng, chống cần thiết và theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình sâu hại ở giai đoạn sau. Điều tra phát hiện, thống kê mức độ, diện tích nhiễm sâu keo mùa thu trên cây bắp và các loại cây trồng khác. Hướng dẫn nông dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống theo Quy trình kỹ thuật đã được Cục Bảo vệ thực vật ban hành.

Tổ chức tập huấn hướng dẫn cán bộ hoạt động lĩnh vực trồng trọt, nông dân về cách nhận diện, đặc điểm sinh học, triệu chứng gây hại, con đường lây lan và các biện pháp phòng, chống sâu keo mùa thu.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật khi diện tích nhiễm sâu có chiều hướng lây lan diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi lợi dụng dịch bệnh để kinh doanh thuốc giả, thuốc không đảm bảo chất lượng và tăng giá thuốc.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thông tin tuyên truyền, triển khai rộng rãi về các đặc điểm của sâu keo mùa thu và quy trình kỹ thuật phòng, chống đã được Cục Bảo vệ thực vật ban hành để cán bộ, người sản xuất tại địa phương biết về loài sâu hại này và chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống kịp thời hiệu quả. Khuyến cáo nông dân áp dụng triệt để các biện pháp sinh học, sử dụng bẫy bã để thu bắt và tiêu diệt trưởng thành; sử dụng biện pháp thủ công (thu gom và tiêu diệt ổ trứng) và các biện pháp canh tác, vệ sinh đồng ruộng để giảm mật số sâu trên đồng ruộng. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp có mật số sâu cao (> 4 con/m2), sử dụng các loại thuốc đã được Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn và tuân thủ theo nguyên tắc "4 đúng" khi sử dụng.

Rà soát, nắm rõ diện tích trồng bắp, phân bố, giai đoạn sinh trưởng trên địa bàn từng xã để điều tra phát hiện xác định diện tích nhiễm sâu, mật độ, tuổi sâu, phân bố, giai đoạn cây trồng. Vận động và hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng chống, trong đó nên phối hợp sử dụng nhiều biện pháp phòng trừ như vệ sinh đồng ruộng, canh tác, sinh học, bẫy bã, thủ công ngay từ đầu vụ, ưu tiên dùng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thực vật để hạn chế hình thành tính kháng thuốc của sâu.

Đồng thời, điều tra khoanh vùng loài sâu hại này trên các loại cây trồng khác là ký chủ của sâu keo mùa thu trên cùng khu vực phát hiện diện tích nhiễm và vùng phụ cận để hướng dẫn phòng trừ. Hỗ trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở khu vực có diện tích nhiễm sâu và vùng phụ cận để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh để kinh doanh thuốc giả, thuốc không đảm bảo chất lượng và tăng giá thuốc.

Riêng huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu và Tân Châu: Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương hướng dẫn các hộ dân trồng bắp có diện tích nhiễm sâu keo mùa thu thực hiện biện pháp phòng, chống cần thiết. Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình sâu hại ở giai đoạn sau và các cây trồng khác trong vùng.

Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh, Báo Tây Ninh phối hợp ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tuyên truyền và đưa tin về tình hình sâu keo mùa thu, các đặc tính và biện pháp phòng, chống để người sản xuất nâng cao nhận thức và chủ động phòng trừ; tránh phóng đại thông tin gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Hoàng Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây