Tăng cường công tác phòng dịch cúm gia cầm lây lan qua biên giới

Thứ năm - 06/02/2014 00:00 34 0
Dịch cúm gia cầm A(H5N1, H5N2, H6N1, H7N9, H10N8) đang xảy ra nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực và các nước giáp biên giới với Việt Nam. Dịch cúm gia cầm diễn biến rất phức tạp, với sự xuất hiện của nhiều chủng vi rút cúm khác nhau cả trên người và động vật.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới và cơ quan y tế các nước: Năm 2013, chủng vi rút cúm A/H7N9 đã lây nhiễm cho 147 người tại Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và gây tử vong 47 người; có 38 ca mắc và có 24 ca tử vong với chủng vi rút cúm A/H­5N1, trong đó Campuchia có 26 ca mắc và có 14 ca tử vong; Trung Quốc thông báo có 1 ca nhiễm cúm A/H10N8 và đã tử vong, chủng vi rút này đã tìm thấy trên chim hoang dã và đã biến đổi, có khả năng lây lan sang người; Đài Loan đã phát hiện chủng vi rút A/H­6N1 ở một bệnh nhân nữ. Đặc biệt từ đầu năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã xuất hiện 11 ca nhiễm A/H7N9 và đã có 4 ca tử vong; ở nước ta, tại Bình Phước, ngày 20/01/2014 đã có một ca tử vong do nhiễm cúm A/H­5N1,  Như vậy, các chủng vi rút cúm gia cầm mới tìm thấy trên người và gây tử vong A(H7N9, H10N8  và H­6N1) đều được tìm thấy trên gia cầm từ vài năm trước đây, nhưng đến nay mới lây nhiễm sang người. Theo thông báo của Tổ chức Thú y Thế giới và cơ quan thú y các nước: Năm 2013, dịch cúm gia cầm A/H­5N1 đã xuất hiện tại 13 nước, đặc biệt ngày 21/12/2013 vi rút cúm A/H­5N2 chủng độc lực cao đã lây nhiễm cho đàn gia cầm tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

Trong năm 2013, các hoạt động phòng chống buôn bán, vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép qua biên giới, không rõ nguồn gốc có hiệu quả tích cực; đồng thời công tác chủ động giám sát, phát hiện dịch cúm gia cầm đã được chính quyền các cấp, các Bộ, ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt, cơ bản xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ lẻ, không để lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc tổ chức thực hiện kiểm soát nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới, không rõ nguồn gốc chưa được thực hiện quyết liệt, gia cầm nhập lậu có chiều hướng gia tăng. Nguy cơ các chủng vi rút cúm mới xâm nhập vào Việt Nam thông qua các hoạt động nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm, khách đến từ các nước có dịch là rất cao, nhất là trong thời gian trước và sau Tết Giáp Ngọ.

Nhằm chủ động ngăn chặn các chủng vi rút cúm gia cầm mới, độc lực cao xâm nhập và lây lan vào địa bàn tỉnh, hạn chế thấp nhất vi rút lây nhiễm và gây tử vong cho người, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi; thực hiện Công điện số 133/CĐ-TTg ngày 23/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm lây lan qua biên giới, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 236/UBND-KTN, yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện một số nội dung cấp bách sau:

Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 860/UBND ngày 03/5/2013 về việc kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; Công văn số 78/UBND-KTN ngày 08/01/2014 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm A/H­5N1,  H7N9,  H10N8.

Tập trung chỉ đạo, phối hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép” theo Quyết định số 2088/QĐ-TTg ngày 27/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ; 

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; đặc biệt là UBND các huyện biên giới chỉ đạo: UBND các xã; các ban, ngành trong huyện phối hợp Đồn Biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường, Thú y,… tăng cường kiểm soát chặt chẽ và xử lý triệt để vụ nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan thông tin đại chúng tích cực triển khai thực hiện “Đề án truyền thông về phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép và vệ sinh an toàn thực phẩm “theo Quyết định số 550/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ và tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch cúm gia cầm nói chung. Việc thông tin tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục với thời lượng thích hợp, có chuyên mục riêng về phòng chống cúm gia cầm. Nội dung tuyên truyền cần nêu rõ tác hại của việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm đến người chăn nuôi, ngành chăn nuôi; gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng; đồng thời hướng dẫn các biên pháp chủ động phòng ngừa vi rút cúm lây lan, phát tán, lây nhiễm cho người, động vật nhằm nâng cao nhận thức, không sử dụng gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho người và động vật, tránh gây hoang mang trong xã hội.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế và UBND các huyện, thành phố khẩn trương xây dựng, đề xuất phương án tái cơ cấu các chợ có buôn bán gia cầm sống theo hướng bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vi rút sang người.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Y tế phối hợp với UBND các huyện, thành phố, nhất là các huyện biên giới thường xuyên theo dõi sát tình hình dịch cúm gia cầm trong tỉnh và các tỉnh giáp ranh; tiếp tục triển khai các biện pháp giám sát gia cầm và người qua biên giới; giám sát gia cầm, chợ gia cầm sống, bệnh nhân có dấu hiệu mắc bệnh cúm nhằm phát hiện sớm nhất các chủng vi rút cúm gia cầm mới, độc lực cao khi mới xâm nhập vào trong tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời; khẩn trương xây dựng “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người”, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt để làm cơ sở triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tham mưu UBND tỉnh bảo đảm kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, đặc biệt là cấp kinh phí cho hoạt động giám sát, phát hiện các chủng vi rút cúm gia cầm mới và hoạt động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người; Tham mưu UBND tỉnh bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch cúm gia cầm nói chung và cho các hoạt động bắt giữ, tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu; cung cấp đầy đủ phương tiện và bảo hộ cá nhân cho lực lượng tham gia trực tiếp công tác phòng, chống dịch. 

Công an tỉnh, Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Tài Chính chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng Thú y, Y tế và UBND các huyện biên giới triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan qua biên giới; tăng cường điều tra nắm tình hình, đấu tranh và triệt phá các đối tượng đầu nậu, các địa điểm tập kết, thu gom động vật, sản phẩm động vật nhập lậu qua biên giới.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tích cực phối hợp cùng chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan để phòng chống dịch cúm gia cầm có hiệu quả.

K.Thành

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây