Tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông

Thứ năm - 18/05/2017 08:00 178 0
Ngày 16/5/2017, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1248/UBND-KGVX nhằm chỉ đạo tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, khắc phục tình trạng các cơ sở giáo dục còn thiếu phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, bếp, nhà ăn, phòng ở nội trú, bán trú.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học phù hợp với điều kiện kinh tế, điều kiện về biến đổi khí hậu và thiên tai, quy mô phát triển giáo dục của địa phương để làm cơ sở cho việc đầu tư; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó đảm bảo quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, đảm bảo hiệu quả đầu tư lâu dài; ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường học khi di chuyển thu hồi các kho bãi, khu đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả…; bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học; ưu đãi về chính sách đất đai để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục theo các quy định của Nhà nước; Tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu về cơ sở vật chất, chỉ đạo cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; trên cơ sở xác định nhu cầu xây dựng mới, sữa chữa, cải tạo, với mục tiêu ưu tiên các hạng mục công trình; phòng học; thư viện, nhà vệ sinh, nhà ăn, phòng ở cho học sinh nội trú, học sinh bán trú và đặc biệt chú trọng các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; kiểm tra và giám sát việc lập kế hoạch, tổ chức quản lý sử dụng, sữa chữa và bảo quản cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục để đảm bảo khai thác và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục.

 Xây dựng các chương trình, đề án, dự án ưu tiên đầu tư cho giáo dục nhất là các vùng khó khăn và các đối tượng chính sách trên cơ sở quy hoạch mạng lưới trường, lớp học và yêu cầu đảm bảo chất lượng và đồng thời xây dựng các đề án huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để tăng cường đầu tư cho cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố cần ưu tiên ngân sách địa phương, đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất góp phần giải quyết các khó khăn về cơ sở vật chất cho cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn; dành ngân sách thỏa đáng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục; thực hiện lồng ghép có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; chương trình mục tiêu của ngành giáo dục (Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014-2015, lộ trình đến năm 2020, chương trình mục tiêu vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020, đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) và các chương trình, dự án, đề án khác đã được phê duyệt; Khuyến khích huy động đến mức cao nhất mọi nguồn lực, các nguồn vốn trong dân cư, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các nhà đầu tư dưới nhiều hình thức (góp vốn xây dựng, hiến đất xây dựng, đầu tư xây dựng trực tiếp, cho vay vốn đầu tư xây dựng…) để góp phần giải quyết các khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục.          

KGVX

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây