![]() |
Hạ tầng thuỷ lợi được đầu tư phát triển ngày càng nhiều |
Nỗ lực huy động vốn trong bối cảnh khó khăn
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), từ năm 2007 đến nay cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng đều phải đứng trước những khó khăn, thách thức từ tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu làm giảm khả năng huy động vốn đầu tư, ảnh hưởng đến tiến trình CNH-HĐH tỉnh nhà. Tuy nhiên, dù trong bối cảnh không thuận lợi nhưng Tây Ninh vẫn có nhiều nỗ lực trong việc huy động các nguồn vốn và đã đạt được kết quả nhất định.
Trong 5 năm qua, Tây Ninh đã huy động được hơn 37.700 tỷ đồng- bằng 35,2% GDP và tăng bình quân gần 23% mỗi năm. Cơ cấu đầu tư cũng đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng đầu tư của khu vực dân doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; giảm dần tỷ trọng đầu tư từ khu vực nhà nước trong tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước 5 năm trước chiếm khoảng 31,37%, sau 5 năm giảm xuống còn hơn 22%; tỷ trọng vốn khu vực dân doanh và có vốn đầu tư nước ngoài từ 68,6%, 5 năm sau đã tăng lên đến 77,8%. Song song đó, nhiều tiềm năng kinh tế của Tây Ninh cũng đang được tập trung khai thác, trong đó nổi bật nhất là việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp với quy mô diện tích lớn như: Khu liên hợp công nghiệp dịch vụ Phước Đông- Bời Lời có quy mô diện tích là 2838 ha; Khu công nghiệp và dịch vụ Bourbon- An Hoà có tổng diện tích quy hoạch là 1.020 ha. Các Khu kinh tế cửa khẩu cũng đã và đang kêu gọi đầu tư phát triển. Đồng thời nhà máy sản xuất xi măng ở xã Tân Hoà (Tân Châu) đi vào hoạt động ổn định với công suất giai đoạn đầu là 1,5 triệu tấn sản phẩm/năm. Những kết quả trên đã góp phần quan trọng cho GDP ở Tây Ninh trong những năm qua đạt tốc độ tăng trưởng trên 14% mỗi năm.
Tuy nhiên, theo ngành chức năng thì bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, việc huy động nguồn vốn phục vụ cho tiến trình CNH-HĐH trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số mặt hạn chế. Trước tiên là tỷ lệ huy động vốn so với GDP đạt đến hơn 35% nhưng vẫn còn thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 40%. Từ đó đầu tư phát triển trên địa bàn chưa được mạnh mẽ. Việc huy động đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế của khẩu, các trung tâm thương mại, du lịch… tuy có tăng, nhưng vẫn còn chậm so với dự kiến. Thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh trong thời gian qua có phát triển, nhưng hầu hết là các dự án có quy mô đầu tư nhỏ, công nghệ và trang thiết bị chưa thực sự hiện đại. Việc huy động vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội còn dựa chủ yếu vào nguồn vốn ngân sách, các hình thức đầu tư BOT, BTO chưa khai thác được nhiều, nguồn vốn ODA còn quá ít…
Giai đoạn 2011-2015 cần hơn 110.000 tỷ đồng
Theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX thì giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng GDP trên địa bàn tỉnh bình quân mỗi năm đạt từ 14% trở lên. Theo Sở KH&ĐT, để đạt được mức tăng trưởng này, từ nay đến năm 2015 cần tăng cường huy động nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh với yêu cầu đạt đến 112.000 tỷ đồng- bằng 41% GDP của tỉnh. Trong đó, cơ cấu huy động gồm: khu vực nhà nước là 24.800 tỷ đồng- chiếm tỷ trọng 22% tổng nguồn vốn; khu vực dân doanh là 53.700 tỷ đồng- chiếm tỷ trọng 48% tổng nguồn vốn và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 35.500 tỷ đồng- chiếm tỷ trọng 30% tổng nguồn vốn. Đây là con số không nhỏ và tăng hơn giai đoạn trước gần gấp 3 lần.
Để có thể thực hiện mục tiêu này, ngành chức năng cho rằng trước tiên phải tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương và thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các thủ tục đầu tư để tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương thông qua các nguồn: trái phiếu Chính phủ; hỗ trợ có mục tiêu; vốn vay ưu đãi, vốn ODA; đồng thời kiến nghị Trung ương sớm đầu tư nâng cấp các công trình quan trọng như: Quốc lộ 22B, 14C, đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh- Mộc Bài… Ngoài việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ Trung ương, địa phương cũng cần chủ động đẩy mạnh công tác tăng thu ngân sách để tăng nguồn chi lĩnh vực đầu tư phát triển, trong đó tập trung vốn cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước cũng có vai trò quan trọng và cần tập trung huy động- nhất là để phát triển lưới điện trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch. Riêng nguồn vốn tín dụng Nhà nước sẽ được tiếp tục quản lý và đầu tư có hiệu quả- trong đó tiếp tục củng cố và tăng cường Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh ngày càng đủ lực để hỗ trợ cho lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội trong tỉnh.
Song song với việc tăng cường huy động nguồn vốn đầu tư phát triển, để tiến trình CNH-HĐH thực sự được đẩy nhanh, ngành chức năng cũng sẽ chú trọng hơn nữa đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tập trung vốn giải quyết các khâu đột phá và nâng cao chất lượng tất cả các khâu trong công tác xây dựng cơ bản.
(Theo BTNO)
Ý kiến bạn đọc