Tăng cường quản lý giá sau khi tăng giá xăng, điện

Thứ hai - 11/05/2015 17:00 37 0
Nhằm hạn chế các hiện tượng lợi dụng việc tăng giá điện, giá xăng để tăng giá dây chuyền, tăng giá không phù hợp, Cục Quản lý giá vừa có công văn 132/QLG-CNTD gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn.

Theo đó, từ đầu năm 2015 đến nay, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 7,5% (từ ngày 16/3/2015); giá xăng đã tăng khoảng 7,6%. Việc tăng giá trên có thể gây tác động nhất định đến chi phí sản xuất, giá thành và giá bán một số hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó, giá một số dịch vụ công đang tiếp tục được xem xét điều chỉnh theo lộ trình thị trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý hoạt động của đơn vị sự nghiệp công; giá một số hàng hóa dịch vụ vẫn đang có xu hướng biến động theo diễn biến giá thị trường thế giới và yếu tố biến động về cung cầu trong thời điểm Lễ, tết, mùa vụ, thời tiết… tác động đến mặt bằng giá chung.

Để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và hạn chế các hiện tượng lợi dụng việc tăng giá điện, giá xăng để tăng giá dây chuyền, tăng giá không phù hợp với tỷ lệ tác động của giá điện, giá xăng vào giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ khác, Cục Quản lý giá đề nghị Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan (Công Thương, Giáo dục, Y tế, Quản lý thị trường, Thuế, Công an, Hải quan...) tiếp tục tham mưu và triển khai thực hiện tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá trên địa bàn.

Đồng thời tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời tham mưu đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí đối với những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, trước hết là đối với các mặt hàng như giá cước vận tải, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá thuốc phòng và chữa bệnh cho người, xi măng, thép xây dựng, thức ăn chăn nuôi, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG),...; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một biện pháp quan trọng nữa là giám sát, rà soát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; trong đó, đối với các mặt hàng chịu tác động trực tiếp của giá điện, giá xăng, giá các yếu tố đầu vào khác, trong quá trình kiểm tra, rà soát mức giá kê khai cần chú trọng rà soát chặt chẽ mức giá và yếu tố hình thành giá của kỳ kê khai liền kề trước và mặt bằng giá cả thị trường để hướng dẫn và yêu cầu tổ chức, các nhân sản xuất kinh doanh thực hiện kê khai giá phù hợp. Kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá cả thị trường.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố giám sát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn định giá thuộc thẩm quyền của địa phương; trường hợp phải điều chỉnh, phải có đánh giá tác động và cân nhắc mức độ, thời điểm điều chỉnh thích hợp, tránh điều chỉnh cùng một thời điểm, hạn chế tác động đến mặt bằng giá cả thị trường năm 2015.

Theo chinhphu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây