Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Chủ nhật - 15/10/2017 16:00 60 0
Hiện nay, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được quy hoạch đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là 71.400 ha chiếm 17,7% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó: rừng đặc dụng 31.850 ha; rừng phòng hộ 29.555 ha và rừng sản xuất 9.995ha. Toàn bộ diện tích trên đều được giao cho các Ban quản lý rừng, Ủy ban nhân dân các huyện và các đơn vị liên quan quản lý, sử dụng.

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Rừng được bảo vệ và phát triển ổn định hơn về số lượng và chất lượng, độ che phủ rừng tiếp tục tăng, tình trạng phá rừng, lấy cắp lâm sản ngày càng được kéo giảm, công tác quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường.

Tuy nhiên ở một vài nơi, tình hình phá rừng, lấy cắp lâm sản, lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp vẫn còn xảy ra, chưa ngăn chặn triệt để, nhất là trên địa bàn Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, vùng giáp ranh với tỉnh Bình Phước; cháy rừng vẫn còn xảy ra; diện tích rừng rừng tự nhiên trong quy hoạch sản xuất do UBND các xã quản lý, chưa giao đến chủ quản lý, sử dụng cụ thể; ranh giới nông lâm một số điểm chưa rõ ràng, dễ bị xâm hại, khó quản lý...

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trên là do nhận thức, ý thức trách nhiệm của chính quyền địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng ở một số nơi và nhân dân trên địa bàn chưa tốt, thiếu quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và còn coi đó là trách nhiệm riêng của cơ quan quản lý rừng; trình độ năng lực của lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng tại chỗ của các chủ rừng còn nhiều hạn chế, bất cập; hệ thống chính sách, pháp luật chưa đồng bộ, việc xử lý các vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ rừng chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm.

Để tăng cường, nâng cao trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; ngày 03/10/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2291/QĐ-UBND về chương trình hành động thực hiện Kế hoạch số 43-KH/TU ngày 25/4/2017 của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư  Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Việc thực hiện chương trình hành động nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ giải pháp trong Kế hoạch số 43-KH/TU ngày 25/4/2017 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và trong từng cơ quan, đơn vị đến nhân dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, nhất là ở địa phương, cơ sở, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Chương trình hành động đặt ra yêu cầu quản lý, bảo vệ rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhất là các địa phương có rừng. Các ngành, các cấp, từ tỉnh đến cơ sở, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tăng cường trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, đồng thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Chương trình hành động tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, nhận thức về vai trò, ý nghĩa của rừng đối với cuộc sống và sự cần thiết phải bảo vệ và phát triển rừng cho mọi tầng lớp nhân dân, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức pháp luật bảo vệ và phát triển rừng. Các cơ quan truyền thông tăng cường thời lượng đưa tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ở những địa phương có rừng, đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý bảo vệ rừng vào sinh hoạt định kỳ, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức, đoàn thể và coi việc chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là một trong những tiêu chí bình xét thi đua. Tố chức các Hội nghị quán triệt đến các cấp, ngành đồng thời tổ chức tuyên truyền sâu, rộng và thường xuyên nội dung Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Kế họach số 43-KH/TU ngày 25/4/2017 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người dân ở các vùng có rừng. Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẻ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng. Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, quy định của pháp luật thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với ổn định đời sống của người tham gia làm nghề rừng. Ban hành quyết định phân công, phân cấp cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước cho chính quyền cơ sở, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, cơ quan, tổ chức về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.  Căn cứ kết quả kiểm kê rừng năm 2016, giao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp đến Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã và chủ rừng. Thực hiện Đề án kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm lâm giai đoạn 2014-2020. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn ,nghiệp vụ cho lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trong tình hình hiện nay.

Rà soát quy hoạch 3 loại rừng, xác định ranh giới lâm phần. Căn cứ kết quả kiểm kê rừng năm 2016, tiến hành rà soát quy hoạch 3 loại rừng nhằm vục vụ phát triển rừng bề vững. Hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấm mốc giới, cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp vào cuối năm 2018. Xây dựng đề án quản lý phát triển rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh, chuyển giao rừng sản xuất từ các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đang quản lý về UBND các huyện, thành phố quản lý để thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, tập trung thiết lập trật tự, kỷ cương quản lý, bảo vệ rừng. Cụ thể, chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm với lực lượng Công an, Quân đội, Dân quân tự vệ trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Duy trì thường xuyên việc kiểm tra, truy quét tại các Khu rừng trọng điểm, có nguy cơ xâm hại cao, nhất là ở các khu vực giáp ranh với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia, giáp ranh tỉnh Bình Dương, Bình Phước. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường giám sát diệt trừ các loài sinh vật ngoại lai xâm hại trong các Khu rừng. Tăng cường quản lý đất lâm nghiệp, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ vi phạm pháp luật về đất đai. Thu hồi toàn bộ đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép để trồng lại rừng; chấm dứt tình trạng mua bán và “hợp thức hóa” quyền sử dụng đất do phá rừng trái pháp luật. Triển khai thực hiện Quyết định số 1573/QĐ-UBND ngày 10/7/2017 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Kế hoạch xử lý trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp tại Khu rừng Văn hóa lịch sử Chàng Riệc và Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, hoàn thành cuối năm 2018. Quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ; xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật, kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở  chế biến gỗ vi phạm các quy định của nhà nước. Thu hồi, không cấp mới giấy phép kinh doanh đối với cơ sở chế biến gỗ không đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp hoặc không phù hợp với quy hoạch các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp, cấp bách phòng ngừa đấu tranh với hành vi trái pháp luật làm xâm hại các loài động vật hoang dã.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả công tác Phòng cháy, chữa cháy rừng. Tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) đã được UBND tỉnh phê duyệt và Phương án PCCCR của các đơn vị chủ rừng. Đầu tư xây dựng các công trình PCCCR, thường xuyên Kiểm tra việc thực hiện các quy định về PCCCR. Tổ chức diễn tập PCCCR hàng năm, đảm bảo phát hiệt kịp thời các vụ cháy và hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.   Xử lý dứt điểm tình trạng bao, lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích.

Tăng cường công tác phát triển rừng, nâng cao giá trị của rừng; thực hiện các chương trình, đề án, dự án, chính sách; gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, trong đó tập trung 4 nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao năng suất và giá trị rừng trồng sản xuất; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ.

Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, việc nghiên cứu áp dụng các mô hình trồng rừng mới với các loài cây trồng phù hợp với điều kiện, lập địa và quy chế quản lý rừng là một trong các biện pháp được quan tâm thực hiện. Triển khai thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách: Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và Nghị định 147/2016/NĐ-CP ngày 02/11/2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kiên quyết đình chỉ, thu hồi đối với các dự án  chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ thiệt hại lớn về rừng, tác động xấu đến môi trường sinh thái. Không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có hoặc rừng trồng phát triển tốt sang mục đích khác (trừ các dự án phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án phục vụ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội cần thiết do Thủ tướng Chính phủ quyết định).  Triển khai thực việc khoán bảo vệ rừng theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước, đảm bảo sự tham gia của người dân vào công tác quản lý, bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người tham gia nghề rừng. Hòan thành việc trồng rừng thay thế theo Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 24/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác, trong năm 2018. Đẩy mạnh công tác trồng rừng mới, trồng cây phân tán, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh, phục hồi, bổ sung rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng; nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường đối với rừng sản xuất; ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng suy thoái rừng.

 Ngoài ra, đẩy mạnh hợp tác giữa tỉnh Tây Ninh với các tỉnh giáp biên giới thuộc Vương quốc Campuchia, nhằm tăng cường trao đổi thông tin, đấu tranh phòng chống các hành vi xâm hại đến rừng và buôn lậu qua biên giới.  Tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Chương trình hành động yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức quán triệt Chương trình hành động này đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị để nâng cao ý thức trách nhiệm và thống nhất thực hiện. Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ quyền hạn của mình và nội dung Chương trình hành động này, các cấp, ngành, đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch cụ thể hóa để tổ chức thực hiện. Chương trình hành động này được triển khai thực hiện từ nay đến hết năm 2020; sau đó sẽ điều chỉnh, bổ sung phù hợp với nội dung quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của giai đoạn tiếp theo.

MN

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây