Tổng kết, đánh giá 10 năm triển khai Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone

Thứ tư - 01/08/2018 17:00 158 0
UBND tỉnh vừa ban hành Báo cáo tổng kết, đánh giá 10 năm triển khai Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone.

Theo Báo cáo, tính đến ngày 14/5/2018, trên địa bàn tỉnh có 3.338 đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, phần lớn tập trung nhiều ở các huyện Hoà Thành và Gò Dầu. Số liệu cụ thể như sau: Hoà Thành (562 người), Gò Dầu (526 người), thành phố Tây Ninh (453 người), Tân Châu (402 người), Châu Thành (337 người), Tân Biên (307 người), Dương Minh Châu (280 người), Trảng Bàng (248 người), Bến Cầu (223 người). Đa số các đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đang có xu hướng chuyển sang sử dụng ma túy đá.

Lũy tích đến ngày 30/6/2018, đã phát hiện được 4.816 trường hợp nhiễm HIV, số chuyển sang AIDS là 3.618 trường hợp, tử vong 1.537 trường hợp. Trong số 3.279 người nhiễm còn sống theo báo cáo hiện nay, có 902 người không xác định được trên thực tế, những người này có thể trùng với những người quản lý được nhưng thông tin cá nhân không chính xác nên không loại trừ được, hoặc sợ kỳ thị họ cung cấp thông tin không đúng cho nhân viên y tế, do đó số quản lý được theo dõi được tại địa phương là 2.377 người.

Tình hình dịch HIV/AIDS ở Tây Ninh đang ở giai đoạn tập trung và vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Số liệu thống kê cho thấy đây là số liệu báo cáo về những trường hợp được xét nghiệm về HIV, nhưng chưa phản ánh đầy đủ tình hình dịch HIV/AIDS mà chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về dịch HIV/AIDS ở Tây Ninh.

Bắt đầu từ tháng 03/2015, các cơ sở điều trị methadone trên địa bàn tỉnh triển khai tiếp nhận các đơn đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, tiến hành khám, đánh giá, tư vấn và làm xét nghiệm cho bệnh nhân theo đúng quy định của Bộ Y tế. Tính đến ngày 30/6/2018, có 683 hồ sơ đăng ký điều trị và đảm bảo đúng tiêu chí để đưa vào điều trị, số bệnh nhân hiện đang tham gia điều trị là 358 bệnh nhân, liều thấp nhất là 5 mg và cao nhất là 200 mg. Trong quá trình điều trị, có 325 lượt bệnh nhân ra khỏi chương trình, thông qua làm việc, trao đổi thông tin từ các địa phương và gia đình bệnh nhân cho thấy các nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân ra khỏi chương trình như: tự  bỏ, vi phạm pháp luật và vi phạm nội quy điều trị của cơ sở. Tuy nhiên, đã có các bệnh nhân tự bỏ quay trở lại xin điều trị (79 bệnh nhân). 

Dung-kham cho benh nhan tai Co so dieu tri methadone.jpg

Hình: khám bệnh tại Cơ sở điều trị methadone.

Báo cáo cũng đề ra một số giải pháp thực hiện Chương trình điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone trong thời gian tới như: Giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, ban, ngành đoàn thể liên quan để thực hiện chương trình điều trị methadone, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể người dân về tác hại của ma túy và lợi ích của điều trị methadone, chú trọng công tác tuyên truyền ở vùng sâu, vùng xa và nông thôn; Tạo việc làm ổn định và thu nhập cho đối tượng tham gia điều trị methadone; Kiện toàn, sắp xếp nhân lực, bố trí kinh phí hoạt động cho các cơ sở điều trị methadone; Tiếp tục rà soát, nắm bắt tình hình đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn, đặc biệt đối tượng đã từng tham gia điều trị methadone để có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, vận động đối tượng tham gia chương trình methadone.

                                                                                       KGVX

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây