Tổng kết 10 năm xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới

Thứ sáu - 27/04/2018 16:00 48 0
Vừa qua, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Đến dự có ông Đặng Mạnh Trung - Vụ trưởng, Trưởng Cơ quanThường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.HCM; ông Nguyễn Minh Tân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, ông Nguyễn Thành Tâm - Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Phạm Văn Tân - Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh.

tongket10nam_2018.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và Kế hoạch số 74-KH/TU phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tỉnh ủy duy trì tổ chức thường niên gặp gỡ văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hoá, văn nghệ; thành lập giải thưởng văn học, nghệ thuật Xuân Hồng (5 năm tổ chức trao giải thưởng một lần); tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật trên diện rộng, thu hút nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh tham gia, tạo được sân chơi lành mạnh cho những người làm nghệ thuật có điều kiện, cơ hội đóng góp tài năng, trí tuệ thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng cao.

Hằng năm, tỉnh phân bổ kinh phí trên 50 tỷ đồng cho các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật; đầu tư xây dựng các công trình văn hóa; cải tạo, nâng cấp các di tích lịch sử - văn hoá và trên 1,5 tỷ đồng cho việc nghiên cứu các đề tài khoa học về sưu tầm và bảo vệ, gìn giữ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tính đến tháng 12/2017, hệ thống trung tâm văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở có 224 thiết chế văn hóa công lập, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Bước đầu hành thành và phát triển được 25 trung tâm vui chơi giải trí, khu văn hóa, thể thao dân lập và một số cơ sở hoạt động có hiệu quả.

Công tác sưu tầm và bảo vệ, gìn giữ các di sản văn hóa, nghệ thuật ở địa phương cũng được triển khai thực hiện có hiệu quả với nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh đã được nghiệm thu; tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ khoa học 118 di sản; nghệ thuật Đờn ca tài tử cải lương được công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; Lễ Kỳ yên Đình Gia Lộc (Trảng Bàng), múa trống Chhay-Dăm dân tộc Khmer, xã Trường Tây (Hoà Thành), nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng được công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, tiếp tục được giữ gìn và phát huy.

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và Hội, Chi hội Văn học, nghệ thuật địa phương tổ chức nhiều hoạt động, xây dựng, tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ thành khối đoàn kết, phát huy tính chủ động trong hoạt động của các chi hội chuyên ngành trực thuộc, duy trì các buổi sinh hoạt thường kỳ; nắm bắt tâm tư, tình cảm của văn nghệ sĩ; mở rộng việc xây dựng các CLB, tạo điều kiện cho những người yêu thích các loại hình văn học, nghệ thuật tham gia sinh hoạt, học tập, nghiên cứu và sáng tạo tác phẩm.

Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển, nhiều CLB hát với nhau ra đời. Toàn tỉnh hiện có 134 đội văn nghệ quần chúng và trên 200 CLB, đội, nhóm đã biểu diễn, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật phục vụ đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

Công tác quản lý hoạt động của hệ thống truyền thông, báo chí có hiệu quả, trong đó chú trọng công tác xây dựng Đảng và thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng ở các cơ quan báo chí.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật cũng còn không ít hạn chế. Một số cấp ủy chưa quan tâm thường xuyên đối với công tác tuyên truyền, phổ biến những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết; công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ.

Hoạt động nghiên cứu, phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh hiệu quả chưa cao, chỉ dừng lại ở nhiệm vụ thẩm định, bình xét tác phẩm, chưa có nhiều bài viết về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Một số cơ chế chính sách phát triển văn học, nghệ thuật bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp thực tiễn nhưng chậm sửa đổi, bổ sung, thay thế; đội ngũ cán bộ quản lý chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới. Kinh phí đầu tư cho hoạt động văn học, nghệ thuật còn hạn chế; công tác xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật chưa thu hút nhiều thành phần trong xã hội tham gia. Việc tập hợp, phát triển lực lượng sáng tác trẻ chưa nhiều; công tác phối hợp quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật còn hạn chế, nhất là quảng bá trên hệ thống thông tin đại chúng…

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 24 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Thái Thành


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây