Tổng kết dự án VAHIP tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2011-2014

Chủ nhật - 25/05/2014 00:00 92 0
Hôm 23.5, Ban quản lý Dự án phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch cúm ở Việt Nam tại Tây Ninh (dự án VAHIP) đã tổ chức tổng kết hoạt động dự án, giai đoạn 2011-2014.

GS.TS Vũ Sinh Nam - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Trưởng ban quản lý dự án Trung ương phát biểu tại hội nghị.

Dự án VAHIP là dự án ODA được thực hiện bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế, với mục tiêu giảm nguy cơ lây nhiễm cúm ở người và gia cầm, chuẩn bị sẵn sàng về y tế trong trường hợp đại dịch xảy ra.

Tỉnh Tây Ninh tham gia dự án từ năm 2007, trong đó giai đoạn 2007-2011 chủ yếu tập trung vào các hoạt động của hợp phần nông nghiệp, do Sở NN-PTNT và Chi cục Thú y tỉnh chịu trách nhiệm.

Trong hợp phần Khống chế và thanh toán cúm gia cầm độc lực cao ngành Nông nghiệp, giai đoạn 2011-2014, dự án VAHIP tỉnh đã đầu tư xây dựng khu bán gia cầm sống tại chợ Long Hải đủ điều kiện an toàn sinh học; hướng dẫn các chủ cơ sở giết mổ tự nâng cấp cơ sở theo hướng an toàn sinh học; mở 7 lớp tập huấn cho người kinh doanh và quản lý chợ gia cầm về các biện pháp an toàn sinh học trong mua bán, vận chuyển giết mổ gia cầm; nội quy chợ và cơ sở giết mổ, hướng dẫn vận hành chợ gia cầm.

Ngoài ra, cán bộ thú y còn thực hiện giám sát việc lưu hành virus cúm gia cầm tại chợ và các cơ sở giết mổ; tăng cường báo cáo sớm ổ dịch thông qua chương trình truyền thông ở trường tiểu học;…

Ở giai đoạn thực hiện hợp phần y tế, dự án tập trung vào mục tiêu xây dựng mô hình Y tế dự phòng tuyến huyện đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế về chuẩn cơ sở vật chất; trang thiết bị; nhân lực và hệ thống Y tế dự phòng tuyến huyện đủ khả năng cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh với bệnh dịch, nhất là cúm A/H1N1, cúm A/H5N1 và đại dịch cúm ở người, nhằm đảm bảo thực hiện được trên 90% các chỉ tiêu hoạt động.

Nâng cao năng lực hệ thống giám sát và đáp ứng bệnh truyền nhiễm, tăng cường năng lực điều trị của các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện, nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng địa phương thông qua nhân rộng mô hình y tế dự phòng tuyến huyện, đồng thời tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi và truyền thông nguy cơ về các bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Phụ huynh và học sinh xem triển lãm tranh tại lễ tổng kết hội thi vẽ tranh Chung tay phòng bệnh cúm gia cầm.

 

Các hoạt động của dự án được triển khai bao gồm truyền thông về phòng chống cúm và bệnh truyền nhiễm mới nổi tại cơ sở y tế, trường học và cộng đồng (như hội thi vẽ tranh Chung tay phòng bệnh cúm gia cầm trong học sinh tiểu học và THCS toàn tỉnh; xây dựng các bảng tuyên truyền và trực tiếp truyền thông cho đồng bào dân tộc ở các huyện Tân Châu, Châu Thành, Tân Biên, Hoà Thành, Dương Minh Châu và TP.Tây Ninh; truyền thông cho cán bộ ban ngành, đoàn thể xã); diễn tập phòng chống dịch cúm gia cầm tại 5 huyện (Gò Dầu, Trảng Bàng, Dương Minh Châu, Tân Châu và Tân Biên), với tổng lượng người tham dự khoảng 1.000 người (bao gồm chính quyền địa phương, ngành y tế, ngành thú y cùng các ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở); thực hiện giám sát hoạt động;

Diễn tập phòng chống dịch cúm gia cầm ở huyện Trảng Bàng.

 

Dưới sự tài trợ của dự án, hiện tại, các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện đều được trang bị tương đối đầy đủ về các trang thiết bị  phòng chống cúm; cán bộ điều trị được tập huấn chuyên môn; đồng thời các bệnh viện đều có kế hoạch sẵn sàng ứng phó với dịch cúm, góp phần nâng cao chất lượng điều trị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, GS.TS Vũ Sinh Nam- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Trưởng ban quản lý dự án Trung ương đánh giá cao những kết quả hoàn thành của dự án tại Tây Ninh. Tuy nhiên, ông lưu ý, dù dự án kết thúc, Tây Ninh cũng cần có các hoạt động cụ thể để duy trì hiệu quả của dự án; đề xuất UBND tỉnh cấp kinh phí duy trì mô hình dự án, bảo quản và sử dụng trang thiết bị của dự án đầu tư đạt hiệu quả.

Khu bán gia cầm sống chợ Long Hải được đầu tư nâng cấp theo hướng an toàn sinh học.

 

Theo báo cáo, năm 2013 trên địa bàn tỉnh phát hiện 4 ổ dịch cúm tại 6 hộ chăn nuôi gia cầm ở các xã Tiên Thuận, Lợi Thuận, Long Giang thuộc huyện Bến Cầu và xã Bình Minh thuộc Thị xã. Tổng số gia cầm chết và tiêu huỷ là 4.928 con. Trong năm không ghi nhận trường hợp dương tính với cúm A (H5N1) ở người.

Đầu năm 2014, bệnh cúm gia cầm xảy ra ở 15 hộ chăn nuôi thuộc 12 xã, 3 huyện/thành phố, bao gồm huyện Châu Thành, Bến Cầu và thành phố Tây Ninh. Tổng số gia cầm chết và tiêu huỷ là 18.394 con, trong đó có 9.891 con gà, 8.480 con vịt và 23 con ngan.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây