Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện có 136 trường mầm non, mẫu giáo, trong đó 122 trường công lập, 14 trường tư thục. Hàng năm, Hiệu trưởng các trường đều xây dựng kế hoạch mua sắm, bổ sung thêm thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi (TBDH, ĐDĐC) tối thiểu nhằm đảm bảo TBDH, ĐDĐC cho tất cả giáo viên và trẻ sử dụng giảng dạy ở tất cả các hoạt động; công tác bảo trì thiết bị dạy học được Sở Giáo dục và Đào tạo quan tâm và chỉ đạo thường xuyên.
Hình ảnh các cháu trường Mầm non Thái Chánh
sử dụng đồ chơi trẻ em ngoài trời
Thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi được phân phối đủ theo từng lĩnh vực, số trẻ đến từng lớp, các lớp có kho TBDH và kệ trưng bày ĐDĐC giúp trẻ thuận lợi trong việc sử dụng hằng ngày tại lớp và giáo viên bảo quản tốt.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên mầm non khai thác sử dụng và bảo quản TBDH, ĐDĐC trẻ em trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non được phòng giáo dục và đào tạo (GDĐT) các huyện, thành phố và các trường mầm non quan tâm; phong trào tự làm đồ dùng dạy học, đồ chơi được duy trì hàng năm thông qua việc các trường MNMG phát động phong trào tự làm TBDH để cải tiến, sửa chữa, bổ sung nguồn TBDH, ĐDĐC hiện có nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thi "tự làm đồ dùng dạy học, đồ chơi" của cấp học giáo dục mầm non 2 năm/lần.
Qua việc xây dựng kế hoạch giáo dục tháng, tuần, ngày giáo viên có kế hoạch chuẩn bị thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các hoạt động, giáo viên tích cực sử dụng và tự làm thiết bị dạy học. Thông qua các hội thao, hội giảng và tổ chức các hoạt động giáo dục hàng ngày giáo viên đã khai thác sử dụng, tự làm TBDH, ĐDĐC trẻ em trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non có hiệu quả, giúp trẻ hứng thú, tích cực tham gia các hoạt động.
Công tác bảo quản TBDH, ĐDĐC được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện, phòng GDĐT các huyện, thành phố có văn bản phân cấp trách nhiệm của hiệu trưởng trong việc quản lý, triển khai thống nhất biểu mẫu sổ sách quản lí TBDH, ĐDĐC, có kế hoạch hoạt động thiết bị và kiểm kê cuối năm. Các lớp đều có sổ theo dõi và quản lý tài sản của lớp được cập nhật đánh giá 2 lần/năm học.
Các trường MNMG thực hiện tốt công tác tuyên truyền và tạo được sự tin tưởng của cha mẹ trẻ và các lực lượng xã hội, do đó công tác xã hội hóa trong việc trang bị, sử dụng TBDH, ĐDĐC trẻ em luôn được cha mẹ trẻ và các lực lượng xã hội quan tâm hỗ trợ. Hàng năm kinh phí quy đổi từ nguồn xã hội hóa trong hỗ trợ TBDH, ĐDĐC cho các trường đều tăng, môi trường giáo dục được cải thiện thể hiện rõ qua hội thi "xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong các cơ sở GDMN"
Báo cáo cũng nêu lên một số khó khăn hạn chế như: kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị bổ sung hàng năm quá ít so với nhu cầu thực thế của các trường; một số trường không có đủ phòng chức năng, không có phòng chứa thiết bị nên TBDH, ĐDĐC chưa được sắp xếp, trưng bày một cách khoa học, dẫn đến công tác bảo quản TBDH, ĐDĐC còn gặp nhiều khó khăn; một số ít giáo viên chưa quan tâm tạo cơ hội cho trẻ sử dụng thường xuyên hoặc có sử dụng nhưng chưa khai thác có hiệu quả tính năng của TBDH, ĐDĐC.
Ngoài ra, báo cáo còn đề ra một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới như: tiếp tục bồi dưỡng hướng dẫn bảo quản, sử dụng TBDH, ĐDĐC, tổ chức các phong trào, hội thao, hội giảng trong cấp học GDMN; tăng cường công tác thanh kiểm tra về việc bảo quản, sử dụng TBDH, ĐDĐC trong các trường MNMG; Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân tỉnh sử dụng các nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn kinh phí địa phương đầu tư mua sắm thiết bị cho các trường MNMG theo nhu cầu rà soát hàng năm.
KGVX