Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, Tổ chức di cư quốc tế (IOM) thống kê có trên 45.000 lượt người di cư đến Châu Âu (tăng trên 40% lượt người so với cùng kỳ năm 2016). Liên Hợp quốc đưa ra thông điệp năm 2017 về "Chống tình trạng đưa người di cư trái phép" nhằm phòng, chống mua bán người và mua bán nội tạng bất hợp pháp sau khi Cơ quan chức năng các quốc gia Châu Âu công bố đã điều tra, khám phá hàng ngàn vụ việc mua bán người và mua bán nội tạng xuyên quốc gia, khu vực trong đó nạn nhân là những người di cư được các nhóm tội phạm ngụy trang bằng dịch vụ đi du lịch, tìm việc làm và chữa bệnh.
Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhất là các nước Tiểu vùng sông Mê Kông (trong đó có Việt Nam), tình hình mua bán người rất phức tạp (chiếm 70% số vụ) và có số nạn nhân bị mua bán cao nhất.
Trong nước, thống kê 6 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra 157 vụ 245 đối tượng; xác minh 361 nạn nhân (giảm 9% số vụ, tăng 5% số đối tượng và 3% số nạn nhân so với cùng kỳ năm 2016). Các địa phương xảy ra nhiều là Lào Cai (14 vụ); Điện Biên (11 vụ); Yên Bái (10 vụ); Sơn La (08 vụ).
Nổi lên là nạn Mua bán người ra nước ngoài để ép hoạt động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp, cưỡng bức lao động… chiếm khoảng 80% tổng số vụ. Cục Cảnh sát Hình sự phối hợp với Công an tỉnh Bình Định bắt đối tượng Nguyễn Thị Mai (quê ở tỉnh Bình Thuận) đã lừa 16 phụ nữ quê ở Bình Định, Phú Yên và Kiên Giang bán sang Trung Quốc; Công an tỉnh Đồng Tháp bắt tạm giam đối tượng Phạm Thanh Sang (sinh năm 1986, trú tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) về hành vi lừa 07 phụ nữ bán sang Trung Quốc. Đặc biệt tình trạng môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép có xu hướng tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam.
Tình trạng mua bán, chiếm đoạt trẻ em nhất là học sinh thông qua các trang mạng xã hội, internet, điện thoại di động….rủ rê đi du lịch, thăm quan rồi lừa bán sang Trung Quốc, xảy ra nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Công an tỉnh Lào Cai phối hợp với các đơn vị liên quan và Công an Trung Quốc bắt 07 đối tượng, gồm: Sùng A Tủa, Cư Seo Phủng, Vàng Seo Dìn, Thào A Tú, Vàng Seo Gia, Thào A Vảng và Sùng Seo Thành đã lừa bán 03 em học sinh trường THPT trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Công an tỉnh Yên Bái bắt 03 đối tượng, gồm: Lờ A Phong, Sùng A Vầu, Lờ A Lâu, Lờ A Tang cùng trú tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái về hành vi mua bán trẻ em, các đối tượng đã lừa em Giàng Thị L (sinh năm 2002, là học sinh lớp 9 của một trường THPT trên địa bàn tỉnh Yên Bái).
Tình trạng đưa người đi xuất cảnh lao động trái phép tăng mạnh sau dịp Tết Nguyên đán 2017; hình thành các đường dây liên tỉnh, thông qua mạng lưới cò mồi, các trang mạng xã hội để lừa phỉnh, dụ dỗ, lôi kéo đi xuất khẩu lao động với chi phí thấp, mức lương cao, thủ tục đơn giản để tổ chức xuất cảnh trái phép và bán cho các chủ sử dụng lao động nước ngoài (chủ yếu làm việc trong các trang trại, đồn điền, xưởng sản xuất khu vực giáp biên giới), gần đây một số vụ thuê người lao động làm việc trên các tàu đánh cá, bắt viết giấy vay nợ và cưỡng bức lao động. Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá 10 vụ, 04 đối tượng tổ chức 110 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc; Công an tỉnh Quảng Bình triệt phá 01 vụ, 01 đối tượng đưa 36 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc; Công an tỉnh Quảng Ninh bắt 03 đối tượng đưa 08 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc; Công an thành phố Vũng Tàu tổ chức giải cứu 05 lao động bị các đối tượng cò mồi, môi giới lao động bất hợp pháp lừa đưa lên các thuyền đánh cá, ép ghi giấy vay nợ và cưỡng bức làm những công việc nặng nhọc; Công an tỉnh Phú Thọ và Công an tỉnh Nghệ An triệt phá đường dây đưa 92 người ra nước ngoài lao động trái phép; thống kê của lực lượng quản lý xuất nhập cảnh, tại các cửa khẩu biên giới đường bộ 6 tháng đầu năm có khoảng gần 200.000 lượt người sang Trung Quốc, Lào, Campuchia lao động thời vụ.
Trước thực trạng trên Ban Chỉ đạo Chương trình 130/CP đã đề ra nhiều biện pháp chỉ đạo góp phần phòng, chống loại tội phạm này một cách hiệu quả. Bộ Công an với chức năng là Cơ quan Thường trực Chương trình 130/CP đã tham mưu Chính phủ xây dựng Kế hoạch chỉ đạo năm 2017 (Kế hoạch số 02/KH-BCĐ ngày 03/01/2017) và lồng ghép tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người mua bán người năm 2017. Kết luận hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo 138/CP, đã giao các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống mua bán người gắn với chỉ tiêu cụ thể (Thông báo số 145/VPCP ngày 17/3/2017); Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức triển khai và xây dựng báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch liên Bộ số 279/BCA-BLĐTBXH ngày 03/10/2016 về tổng điều tra, rà soát toàn quốc về nạn nhân bị mua bán và các đối tượng khác có liên quan giai đoạn 2011-2016. Kiến nghị giải pháp chỉ đạo trong thời gian tới; Tham mưu cho Ban Chỉ đạo 138/CP ban hành Kế hoạch số 135/KH-BCĐ ngày 17/5/2017 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và Kế hoạch liên bộ số 74/KH-HLHPN-BCA ngày 02/6/2017 phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7" năm 2017, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham gia; Chuẩn bị nội dung, tài liệu và tham gia đoàn liên ngành do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người tại các tỉnh: Lạng Sơn, Lào Cai, An Giang, Cần Thơ (Kế hoạch số 490/UBTP ngày 02/3/2017 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội); Phối hợp với các địa phương tổ chức sơ kết và ra thông báo rút kinh nghiệm về chỉ đạo điểm của Chính phủ thực hiện Chương trình 130/CP (Kế hoạch số 453/KH-BCA ngày 29/2/2016); qua đó đề xuất Ban Chỉ đạo 138/CP ban hành Quyết định số 548/QĐ-BCA, Quyết định số 08/QĐ-BCA ngày 24/02/2017 kịp thời khen thưởng cho 25 tập thể, 24 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống mua bán người; Ban hành Kế hoạch số 1198/KH-BCA ngày 25/4/2017 về kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình 130/CP giai đoạn 2016-2020 và năm 2017 theo Kế hoạch số 02/KH-BCĐ ngày 03/01/2017.
Các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP đã ban hành kế hoạch, tổ chức triển khai, lồng ghép công tác phòng, chống mua bán người với nhiệm vụ của ngành với các nội dung, chỉ tiêu của Chương trình 130/CP năm 2017, điển hình: Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) ban hành Kế hoạch số 280/KH-BCĐ ngày 19/01/2017, xác định các tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm và giao chỉ tiêu cho các đơn vị phối hợp xác lập chuyên án đấu chống tội phạm mua bán người; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 668/QĐ-TTg ngày 16/5/2017 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ của Liên hợp quốc và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện; Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTTTT ngày 03/01/2017 chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tại địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có công tác phòng, chống mua bán người; Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ban hành Kế hoạch số 219/ĐCT-CSLP ngày 09/02/2017 triển khai công tác Luật pháp - Chính sách năm 2017, nâng cao hiệu quả truyền thông phòng, chống mua bán người tại cộng đồng; Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình công tác năm 2017, trọng tâm là nâng cao hiệu quả công tác thực hiện quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử và xét xử nghiêm minh các vụ án, trong đó có mua bán người; mua bán đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo đối với các địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm về tội phạm mua bán người; Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam…ban hành văn bản chỉ đạo lồng ghép trong các chương trình, nội dung công tác của ngành mình với việc triển khai Chương trình phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người năm 2017; phối hợp triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch liên tịch đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội nhằm phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người.
Ngay từ đầu năm 2017, hầu hết Ban chỉ đạo 138/địa phương đã kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo ban hành kế hoạch, tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai công tác năm 2017, trong đó lồng ghép triển khai Chương trình 130/CP với thực hiện Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW; Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quán triệt đến cơ sở. Kiện toàn Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thanh viên theo chuyên đề và phụ trách địa bàn trọng điểm; một số địa phương đề ra chỉ tiêu và giao nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng, đơn vị thực hiện. Các địa phương gồm: Nghệ An, Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Tây Ninh được Chính phủ chỉ đạo điểm đã lựa chọn điểm 11 huyện, thành phố trực thuộc tỉnh và 14 xã, phường, thị trấn để tập trung chỉ đạo thực hiện.
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2017 các lực lượng chức năng đã triệt phá 02 chuyên án mua bán người, bắt giữ 03 đối tượng và giải cứu 03 nạn nhân. Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã ban hành Kế hoạch số 1849/KH-BCĐ ngày 13/7/2017 về việc Thực hiện Đề án 2: "Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người" thuộc Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2017- 2020.
Quang Dững