Về ứng phó với biến đổi khí hậu:
Nâng cao năng lực giám sát biến đổi khí hậu, dự báo thiên tai, thường xuyên cập nhật, hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng trên địa bàn tỉnh từ nay và những năm tiếp theo.
Chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao kiến thức, năng lực thích ứng, đảm bảo sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị tác động của thiên tai.
Có phương án chủ động xử lý tình huống xấu nhất do thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống dịch bệnh. Phát huy trách nhiệm và huy động các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tích cực tham gia phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thực hiện chương trình nâng cấp, đảm bảo an toàn hồ chứa nước Dầu Tiếng, nâng cấp đoạn đê xung yếu, đẩy mạnh việc phục hồi, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn. Bảo vệ không gian thoát lũ sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông, cải tạo và xây dựng mới các công trình cấp, thoát nước và xử lý nước thải của các đô thị trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh, ưu tiên thực hiện các chương trình giảm phát thải khí nhà kính thông qua các biện pháp chống mất rừng, suy thoái rừng và tạo sinh kế cho người dân. Đồng thời đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
- Đối với công tác quản lý tài nguyên:
Đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, xác định đánh giá các giá trị kinh tế đối với các loại tài nguyên trên địa bàn tỉnh.
Lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và khoanh dịch vụ khu vực dữ trữ khoáng sản. Thiết lập cơ chế quản lý, giám sát, bảo đảm sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên trên địa bàn tỉnh.
Hạn chế tối đa, từng bước tiến tới chấm dứt xuất bán khoáng sản thô hoặc chỉ qua sơ chế, thúc đẩy chế biến sâu. Đối với các loại khoáng sản quan trọng tỉnh sẽ có chính sách cụ thể để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội lâu dài của tỉnh. Hạn chế sử dụng đất sét trong sản xuất vật liệu xây dựng, từng bước chấm dứt sử dụng công nghệ sản xuất vật liệu từ đất sét nung và chuyển sang sản xuất vật liệu xây dựng không nung.
Đổi mới công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả, kết hợp bảo vệ diện tích, độ phì nhiêu của đất canh tác nông nghiệp, đẩy mạnh khai thác quỹ đất chưa sử dụng. đảm bảo diện tích đất cho phát triển rừng bền vững theo quy hoạch, đặc biệt là Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đầu nguồn. Quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước, tăng cường quản lý nguồn nước hồ Dầu Tiếng, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Chủ động hợp tác với các tỉnh, thành phố trong việc bảo vệ nguồn nước thuộc lưu vực sông Đồng Nai.
Kiểm soát các hoạt động khai thác, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng đánh bắt mang tính hủy diệt nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Công tác bảo vệ môi trường:
Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế quản lý về bảo vệ môi trường theo từng loại hình và mức độ tác động đến môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản, các làng nghề, lưu vực sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông, kiểm soát chất lượng không khí ở khu vực thành phố Tây Ninh và các thị trấn có mật độ dân cư cao. Kiểm soát ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp như (dư lượng, đốt rơm rạ, xả thải bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật…) làm ảnh hướng đến môi trường, sức khỏe và đời sống nhân dân.
Phát triển ngành kinh tế môi trường trên cơ sở ngành công nghiệp môi trường. dịch vụ bảo vệ môi trường và tái chế chất thải. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Bảo vệ, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn. Ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng, sớm dừng khai thác gỗ tự nhiên.
Tăng cường quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật hoang dã, các giống cây trồng, cây dược liệu, vật nuôi có giá trị, loài quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Thông qua một số nhiệm vụ cụ thể được tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên; bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái, Tây Ninh phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường theo lộ trình từ nay đến năm 2050.