Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý chó nuôi và phòng, chống bệnh Dại ở động vật trên địa bàn tỉnh

Thứ ba - 25/06/2019 19:00 90 0
Nhằm giảm thiểu tình trạng chó thả rông cắn người, giảm thiểu số người bị tử vong vì bệnh Dại, ngày 24/6/2019, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công văn số 1298/UBND-KTTC đề nghị Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý chó nuôi và phòng, chống bệnh Dại ở động vật, trong đó cần chú trọng thực hiện những nội dung sau đây:

Tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư, lập sổ theo dõi hộ nuôi chó và số chó nuôi trong từng hộ gia đình nhằm hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin Dại; yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, tiêm phòng vắc xin Dại cho chó; chấp hành việc xích, nhốt; khi cho chó ra đường, nơi công cộng phải đeo rọ mõm cho chó theo đúng quy định.

chotharong1.jpg

Chó được thả rông trong công viên

Tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin dại được quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về phòng, chống bệnh Dại và quản lý chó nuôi.

Chủ động phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó nuôi, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổ chức tháng cao điểm tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó vào tháng 3-4 hàng năm; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót đối tượng phải tiêm phòng.

Thành lập các Đoàn công tác do Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã làm trưởng đoàn phối hợp với các đơn vị chuyên môn như thú y, y tế đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại tại cơ sở và điều tra các trường hợp chó Dại cắn gây thương vong trên người.

Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó đối với cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia công tác phòng, chống bệnh dại tại cộng đồng. Cung cấp tài liệu truyền thông trong phòng, chống bệnh dại trên người và động vật cho các địa phương để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.

Công khai địa chỉ các cơ sở y tế trên địa bàn và hướng dẫn người bị chó, mèo và các động vật khác cắn đến ngay cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc (bao gồm cả thuốc đông y, bài thuốc cổ truyền, gia truyền) chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo và các động vật khác cắn.

H.Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây