Ông Nguyễn Văn Nho- Chủ nhiệm Văn phòng Tư vấn pháp luật LÐLÐ tỉnh Tây Ninh chia sẻ, thông qua các buổi tuyên truyền pháp luật lưu động tại các doanh nghiệp, khu nhà trọ có đông người lao động, cán bộ tư vấn đã nghiên cứu, vận dụng những quy định của pháp luật để hướng dẫn, giải đáp, cung cấp thông tin, nội dung liên quan trong văn bản pháp luật mà CNVCLÐ thắc mắc.
Ðồng thời, hoạt động của Văn phòng còn giúp doanh nghiệp, người sử dụng lao động thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, từ đó góp phần tháo gỡ kịp thời những vướng mắc mà chủ doanh nghiệp và người lao động gặp phải.
Bên cạnh đó, Văn phòng Tư vấn pháp luật còn phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các đợt tập huấn tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ tư vấn về các chủ trương, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Các thành viên văn phòng thường xuyên trau dồi kiến thức, cập nhật kịp thời những quy định mới của pháp luật, không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng tư vấn pháp luật để phục vụ ngày càng tốt hơn trong công tác tư vấn pháp luật cho CNVCLÐ. Nhờ đó mà số lượng CNVCLÐ đến tham vấn ngày càng đông, và luôn được tư vấn viên nhiệt tình tư vấn.
Tính từ đầu năm 2017 tới nay, Văn phòng đã tổ chức tuyên truyền tư vấn trực tiếp 40 cuộc cho hơn 760 công nhân lao động tại khu công nghiệp Trảng Bàng, các khu nhà trọ công nhân, các doanh nghiệp có tranh chấp lao động và LÐLÐ các huyện, thành phố; tư vấn bằng văn bản 21 vụ, qua thư điện tử (gmail) 34 vụ.
Thông qua công tác tuyên truyền tư vấn pháp luật, Văn phòng đã giúp hơn 150 người lao động làm đơn khiếu nại, khởi kiện đến cơ quan Nhà nước, Toà án có thẩm quyền để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ðồng thời, Văn phòng phối hợp với các ban của LÐLÐ tỉnh tổ chức 15 cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho công nhân khu nhà trọ, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, thu hút hơn 1.300 công nhân tham gia.
Chị Ð.T.M- công nhân làm việc tại một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Trảng Bàng cho biết, những thắc mắc về quyền lợi công nhân đều được Văn phòng trực tiếp tư vấn và trả lời bằng văn bản cụ thể, rõ ràng nên công nhân lao động rất yên tâm.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động Văn phòng cũng gặp không ít khó khăn, ông Nho cho biết, đối với CNVCLÐ, khi bị chủ doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc bị kỷ luật lao động, họ đến Văn phòng chỉ nói phần mình đúng, không nói phần sai của mình nên đôi khi một số trường hợp tư vấn chưa chính xác, phải xác minh nhiều lần.
Mặt khác, Văn phòng tổ chức xác minh, một số chủ doanh nghiệp thường tìm cách né tránh. Ngoài ra, khi lợi ích của CNVCLÐ bị xâm phạm, có nhu cầu tìm đến Văn phòng để nhờ tư vấn pháp luật, buộc lòng người lao động phải xin nghỉ phép, làm ảnh hưởng các đến chế độ khen thưởng, chuyên cần, từ đó họ có thường có tâm lý ngại tìm đến cán bộ tư vấn.
Theo ông Nguyễn Văn Nho, trước mắt, Văn phòng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng hình thức lưu động để nâng cao ý thức pháp luật cho CNVCLÐ, giúp người lao động, giải quyết hài hoà các mối quan hệ xã hội theo quy định của pháp luật.
Cán bộ tư vấn pháp luật từng bước đa dạng hoá và đổi mới hình thức tư vấn; chủ động nắm tình hình việc thực hiện chế độ, chính sách, những vấn đề bức xúc của người lao động. Tổ chức thường xuyên hơn các cuộc đối thoại giữa CNVCLÐ- và chủ doanh nghiệp, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân.
Theo Báo Tây Ninh Online