Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân dân Tây Ninh cùng một lúc vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phải chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; vừa ngăn thù trong, vừa cứu đói dân mình, lại cưu mang gần 3 vạn dân Campuchia tị nạn; vừa phải khôi phục và phát triển sản xuất nhằm đảm bảo lo cho đời sống nhân dân Tây Ninh trên các mặt, ăn ở, đi lại, chữa bệnh và học hành. Có thể nói 5 năm đầu sau ngày giải phóng đầy gian khổ, Đảng bộ và quân dân Tây Ninh đã thể hiện rõ tinh thần tự lực tự cường, quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện để hoàn thành 2 nhiệm vụ chiến lược là cải tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Ngay sau khi giúp nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng do Pôn-Pốt gây ra, theo sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ và quân dân Tây Ninh vẫn tiếp tục chi viện sức người, sức của giúp tỉnh Kom-Pong-Chàm (Campuchia) chí tình, chí nghĩa trong 10 năm (1979-1989).
Thời kỳ 1975-1985, quân dân Tây Ninh tập trung vào nhiệm vụ chính là cải tạo, xây dựng và phát triển nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội IV và V của Đảng đề ra, chủ yếu lấy sản xuất lương thực làm nhiệm vụ trung tâm hàng đầu, cho nên từ chỗ Tây Ninh phải nhận sự chi viện của Trung ương đã phấn đấu không những tự lực được lương thực, mà còn làm nghĩa vụ với Trung ương và từng bước tháo gỡ những khó khăn, đưa nền kinh tế - xã hội đi vào quỹ đạo xã hội chủ nghĩa, tạo ra những vùng chuyên canh lớn: mía, đậu phộng, cao su, lúa. Hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng được củng cố kiện toàn, dân chủ được mở rộng, chính trị ổn định, tạo tiền đề cho sự phát triển mới.
Từ năm 1986-2015, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cơ chế quản lý kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong gần 30 năm, có thời kỳ 1986-1990 đan xen giữa 2 cơ chế, nước ta đang trong tình trạng trầm trọng nhất của khủng hoảng kinh tế - xã hội, sản xuất đình đốn, lạm phát tăng vọt, đất nước bị bao vây về kinh tế, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, lòng tin giảm sút. Tình hình chung đó đã ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của tỉnh. Những năm 1991-1995, là thời kỳ đi vào thế ổn định và tăng trưởng, giành được những thắng lợi rất quan trọng trong những năm tiếp theo. Kinh tế có mức tăng trưởng cao. Năm 2005, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân hàng năm 14% là mức tăng trưởng cao nhất kể từ trước đó. Năm 2010 trở đi, tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân hằng năm 11,92%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp: tỷ trọng nông - lâm - thuỷ sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ trong GDP (giá hiện hành) năm 2010 đạt 38,23% - 24,99% - 36,78%, đến năm 2014 đạt 28,3% - 34,7% - 37,0%.
Tây Ninh là một trong những tỉnh cân đối được thu chi và có đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) từ 1.434 USD năm 2010 tăng lên 2.383 USD trong năm 2014; số hộ giàu ngày càng tăng lên, số hộ nghèo năm 2014 còn 3,27%. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân ổn định, chất lượng cuộc sống được nâng lên, từng bước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được giữ vững. Quan hệ hợp tác đối ngoại được duy trì thường xuyên và có hiệu quả. Các lực lượng bảo vệ biên giới có sự hiệp đồng tốt hơn. Huyện, xã biên giới được xây dựng vững mạnh toàn diện, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.
Trải qua chặng đường 40 năm kể từ Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015), dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ Tây Ninh cùng sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh đã vượt qua những bước thăng trầm của mỗi thời kỳ cách mạng để giành lấy thắng lợi. Thắng lợi đó bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh, nhất là thời kỳ sau giải phóng, tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, quốc phòng, an ninh … đều không ngừng phát triển, làm "thay da đổi thịt" mảnh đất vô vàn khó khăn, gian khổ của các cuộc chiến tranh. Đó là hiện thực của cuộc sống mà bất kỳ người dân Tây Ninh nào cũng không được quyền phủ nhận.
P.BCXB