Tây Ninh – Năm 2012: Tăng trưởng giảm nhưng không tuột dốc

Thứ ba - 27/11/2012 00:00 103 0
Trong tổng số 21 chỉ tiêu do HĐND quyết nghị có 17 chỉ tiêu đạt và vượt, còn 4 chỉ tiêu chủ yếu không đạt.

Gia công hàng xuất khẩu ở KCN Trảng Bàng. Ảnh: Hoàng Anh

 Dù chỉ là số liệu được dự báo, song thông qua báo cáo thống kê cho phép chúng ta sơ bộ đánh giá một cách tổng quan thực trạng kinh tế tỉnh nhà sau 1 năm thực hiện với nhiều nỗ lực.

Tại phiên họp UBND tỉnh ngày 20.11.2012, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có dự thảo báo cáo đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2012 và định hướng kế hoạch năm 2013, trong đó cho thấy GDP (theo giá so sánh 94) tăng 12,5%, thấp hơn kế hoạch đề ra là 14%. Trong tổng số 21 chỉ tiêu do HĐND quyết nghị có 17 chỉ tiêu đạt và vượt, còn 4 chỉ tiêu chủ yếu không đạt. Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển dù có chỉ tiêu không đạt kế hoạch nhưng so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng trưởng ở cả ba khu vực gồm: Sản xuất nông - lâm - thuỷ sản, công nghiệp, thương mại - dịch vụ.

Năm 2012 số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng lên 40.000 doanh nghiệp, nợ xấu chiếm tỷ trọng 8,6% (khoảng 9,69 tỷ USD) trên tổng dư nợ, 10 tháng đầu năm nợ xấu này đã tăng mạnh (báo cáo của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đến tháng 3.2012), tăng trưởng tín dụng đạt thấp 3,36% trong khi tăng trưởng vốn huy động lên đến 14% (trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trên diễn đàn Quốc hội ngày 13.11.2012), lãi suất cho vay của ngân hàng cao, giá cả biến động… Trong bối cảnh đó, nền kinh tế tỉnh nhà, qua số liệu thống kê cho thấy, số doanh nghiệp giải thể, phá sản không nhiều (367 doanh nghiệp). Các dự án đầu tư trong và ngoài nước đã đi vào hoạt động phần lớn đều duy trì được hoạt động sản xuất. Vốn đầu tư phát triển, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng với tốc độ cao (19%, 20%), thu ngân sách được đánh giá là hoàn thành kế hoạch trong điều kiện sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tổng vốn huy động tăng 11%, tín dụng có dư nợ tăng 10,5%, nợ xấu chiếm 1% trên tổng dư nợ, đây là những con số cần tìm hiểu thêm để phân tích vì nó quá lý tưởng so với tình hình nợ xấu, tăng trưởng vốn huy động và tăng trưởng tín dụng theo báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Quốc hội.

Tổng thể kinh tế là như thế, song cũng không thể phủ nhận một thực trạng là tốc độ tăng trưởng giảm so với các năm trước. Vậy thực chất kinh tế của tỉnh nhà trong năm nay tăng trưởng dựa vào cái gì để từ đó có định hướng triển vọng cho năm 2013?

Trước tiên hãy xem tăng trưởng GDP. Theo lý thuyết và sử dụng phương pháp chi tiêu để tính toán, GDP là tổng cầu tiêu dùng của dân cư, chi thường xuyên của ngân sách, đầu tư phát triển và thặng dư thương mại. Trong 4 bộ phận này, chi thường xuyên của ngân sách trong năm nay chiếm tỷ trọng không lớn: 7,5% trên GDP và ổn định, do vậy không phải là nhân tố tạo ra sự đột biến trong GDP. Vốn đầu tư phát triển năm 2012 theo giá hiện hành là 14.900 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32,2% GDP dù không đạt theo kế hoạch đề ra nhưng cũng tăng 19,32% so với cùng kỳ năm trước. Về tiêu dùng cuối cùng của dân cư, theo số liệu thống kê dù chưa thể tính toán đầy đủ song cho thấy mặc dù suy thoái, kinh tế khó khăn, giá cả leo thang nhưng thông qua chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ một bộ phận tiêu dùng cuối cùng của dân cư cũng tăng 20% so với kế hoạch năm 2011.

Đối với thặng dư thương mại cũng do chưa được tính toán đầy đủ nhưng nếu chỉ tính thuần tuý dựa trên kim ngạch xuất nhập khẩu thì ta thấy kim ngạch xuất khẩu năm 2012 là 1.466 triệu USD, tăng 20% so với năm 2011, trong khi kim ngạch nhập khẩu 849 triệu USD chỉ tăng 2% so với năm 2011. Theo lý thuyết, chênh lệch giữa hai chỉ số này tạo ra một giá trị xuất siêu khá lớn là 577 triệu USD, chính giá trị này cùng với giá trị tăng trưởng 19% của vốn đầu tư phát triển và tiêu dùng cuối cùng của dân cư đã quyết định tốc độ tăng trưởng của GDP, dù có giảm không đạt so với kế hoạch nhưng không tuột dốc trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

 

Theo BTNO

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây