Tây Ninh: Đầu tư nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường

Thứ hai - 20/06/2016 09:00 91 0
Trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến ngân sách chi cho lĩnh vực môi trường gần 106 tỷ đồng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Tây Ninh, trong giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh đã phân khai ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường gần 231 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh gần 86 tỷ đồng,  số còn lại thuộc cấp huyện.

Năm 2013, tỉnh thành lập Quỹ bảo vệ môi trường với vốn điều lệ 9 tỷ đồng và tiếp nhận trên 12 tỷ đồng từ các doanh nghiệp ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản. Đến hết năm 2015, dư nợ cho vay các dự án thực hiện khắc phục ô nhiễm môi trường hơn 16 tỷ đồng.

Việc bảo đảm nguồn chi sự nghiệp môi trường là cố gắng lớn của tỉnh trong đáp ứng các điều kiện cần thiết cho công tác bảo vệ môi trường. Mặc dù trong quản lý, phân bổ còn có những hạn chế, song nguồn chi này đã góp phần quan trọng để hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo vệ môi trường (nhất là hoạt động quản lý môi trường) từ cấp tỉnh đến cấp huyện.

Nông dân Tây Ninh thu gom vỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ môi trường.

Một số điểm bức xúc về môi trường thuộc khu vực công ích đã được bố trí kinh phí để xử lý, các cơ sở y tế tỉnh và huyện gây ô nhiễm môi trường đã và đang được đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp môi trường để khắc phục xử lý.

Theo Kế hoạch, trong giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến ngân sách chi cho lĩnh vực môi trường gần 106 tỷ đồng.

Theo đó, toàn ngành phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đạt 100%; chỉ tiêu về tỷ lệ độ che phủ rừng chung là 36,1%; các chỉ tiêu như: tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường...

Từng bước xây dựng hệ thống quản lý tổng hợp chất thải rắn, trong đó chất thải rắn được phân loại tại nguồn, được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến phù hợp. Phấn đấu 100% chất thải rắn ở đô thị, chất thải nguy hại và chất thải y tế được thu gom xử lý. Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại nhằm cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chú trọng thực hiện giải pháp xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Có cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Đồng thời, ngành Môi trường đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường. Hạn chế cấp phép đầu tư mới hoặc mở rộng đối với các loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là các cơ sở nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, công nghiệp, chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên thực hiện kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nhập khẩu phế liệu, các làng nghề, cụm công nghiệp; kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Song song đó, ngành Tài nguyên môi trường tiếp tục quan trắc các thành phần môi trường và kế hoạch quan trắc liên vùng sông Vàm Cỏ Đông thuộc địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện dự án quy hoạch xử lý chất thải rắn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy tái chế và xử lý chất thải rắn công nghiệp và sinh hoạt tại xã Tân Hưng, huyện Tân Châu và xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu...

Theo Báo Tây Ninh Online​

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây