Tây Ninh đẩy mạnh triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015

Thứ năm - 25/06/2015 15:00 98 0
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay, các mục tiêu cụ thể tại Quyết định số 679/QĐ-UBND ngày 29/3/2011 của UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX “về cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015” đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu và bước đầu mang lại hiệu quả trong công tác cải cách hành chính chung của cả tỉnh.

Cụ thể, năm 2015 chức năng liên thông của hệ thống Văn phòng điện tử giữa các cơ quan hành chính được đưa vào sử dụng với tỷ lệ liên thông văn bản điện tử qua hệ thống eOffice đạt 61,3% (tính từ 01/01/2015 đến 30/3/2015). Ngoài ra, tất cả tài liệu liên quan đến các cuộc họp đều được trao đổi dưới dạng điện tử thông qua hệ thống Họp không giấy và thư điện tử. Qua đó, bảo đảm hầu hết văn bản điện tử được sử dụng trong hoạt động tại các đơn vị, địa phương.

Cổng thông tin điện tử của tỉnh được nâng cấp và tích hợp trên 37 Cổng/Trang thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành, UBND huyện/thành phố. Với 100% các cơ quan hành chính cấp tỉnh và huyện có Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử, cung cấp các thông tin kinh tế, chính trị, xã hội trong tỉnh, thông tin về chỉ đạo điều hành và các thủ tục hành chính công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, cung cấp 1179 thủ tục hành chính ở mức độ 2, triển khai dịch vụ công mức độ 3 cho 21 thủ tục hành chính, dịch công mức độ 4 cho 137 thủ tục hành chính.

Giai đoạn 2011-2015, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục triển khai các nội dung về hiện đại nền hành chính cho các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố.

Hiện nay tỷ lệ cán bộ công chức được trang bị máy vi tính ở các cơ quan nhà nước cấp tỉnh đạt 100%; 100% các sở, ban, ngành và huyện/thành phố trong tỉnh đã kết nối hệ thống mạng nội bộ (LAN) và sử dụng để trao đổi trong công việc; 37 cơ quan, sở, ngành đã kết nối được mạng diện rộng (WAN) của tỉnh được xây dựng trên nền mạng cáp quang nội thị về Trung tâm tích hợp dữ liệu. Tỉ lệ cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện có kết nối Internet là 100% với phương thức kết nối chủ yếu là băng rộng.

Phần mềm Văn phòng điện tử được triển khai tại 31 đơn vị trong đó gồm 22 sở, ban, ngành, 09 UBND huyện, thành phố và triển khai cho 41 đơn vị cấp xã thuộc TP. Tây Ninh, huyện Hòa Thành, huyện Dương Minh Châu, huyện Tân Châu. Hệ thống Văn phòng điện tử có tích hợp tính năng ký số nhằm tăng tính tiện ích trong việc triển khai ứng dụng chữ ký số cho các cơ quan quản lý Nhà nước và  đáp ứng nhu cầu liên thông văn bản giữa UBND tỉnh với các sở, ban ngành.

Đến nay ứng dụng chữ ký số đã được triển khai sử dụng tại các cơ quan nhà nước, trong toàn tỉnh đã cấp phát bàn giao thiết bị ký số (token) cho 84 đơn vị và 358 thiết bị ký số cho cá nhân là cán bộ, công chức lãnh đạo các cơ quan nhà nước.

Phần mềm Họp không giấy đã được triển khai cho UBND các huyện, thành phố trong tỉnh, đa số các đơn vị đều thường xuyên sử dụng đạt hiệu quả cao với số lượng cuộc họp liên tục tăng qua các năm, tổng hợp từ năm 2012 đến ngày 10/5/2015 tỉnh đã triển khai 4.264 cuộc họp. Phần mềm một cửa điện tử được sử dụng tại UBND 09 huyện, thành phố và 18 UBND cấp xã. Dự kiến đến hết năm 2015 sẽ triển khai thêm 28 UBND cấp xã tại các huyện trên địa bàn tỉnh, đưa tổng số đơn vị cấp xã được triển khai là 46 đơn vị.

Phần mềm quản lý Hộ tịch được triển khai tại Sở Tư pháp, UBND thành phố Tây Ninh và UBND 4 huyện: Hòa Thành, Dương Minh Châu, Tân Châu, Trảng Bàng; đồng thời triển khai mở rộng đến 52 UBND cấp xã thuộc 5 huyện, thành phố trên. Theo kế hoạch, đến tháng 7 năm 2015 sẽ tiếp tục triển khai cho UBND 4 huyện và 43 UBND cấp xã còn lại. Phần mềm giải quyết khiếu nại tố cáo (phần mềm tiếp dân) đã được sử dụng tại 3 đơn vị cấp tỉnh (Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường), 9 đơn vị cấp huyện và 21 đơn vị cấp xã.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách, văn bản QPPL, văn bản chỉ đạo điều hành nhằm thúc đẩy các đơn vị đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, bao gồm các văn bản như: Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 11/4/2014 về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND ngày 22/10/2014 về việc ban hành Quy chế Quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống Văn phòng điện tử (eOffice) liên thông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Quyết định số 60/2014/QĐ-UBND ngày 11/11/2014 ban hành Quy chế Quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống một cửa điện tử tỉnh Tây Ninh; Quyết định số 61/2014/QĐ-UBND ngày 11/11/2014 ban hành Quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan Nhà nước tỉnh Tây Ninh...

Ngoài ra, năm 2014, Cục Hải quan Tây Ninh đã triển khai thành công Hệ thống Thông quan tự động VNACCS/VCIS thuộc dự án thực hiện Hải quan điện tử và một cửa quốc gia nhằm hiện đại hóa ngành hải quan tại 05/05 Chi cục Hải quan trực thuộc; rút ngắn thời gian thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp và tăng sức cạnh tranh.

Cục Thuế Tây Ninh cũng đã thực hiện chương trình khai báo thuế qua mạng, đến cuối năm 2014 đạt tối thiểu 95% và phấn đấu đến hết năm 2015 đạt 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện khai báo thuế qua mạng.

Năm 2016, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành triển khai hệ thống một cửa hiện đại cho các xã còn lại để đảm bảo 100% đơn vị cấp huyện và cấp xã đều đưa vào vận hành sử dụng, đồng thời sẽ tiến hành triển khai hệ thống này và dịch vụ công mức độ 3 cho các sở, ngành tỉnh.

Hoàng Mai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây