Sau thời gian thử nghiệm ký số tại 10 đơn vị cấp tỉnh và 03 đơn vị cấp huyện, tất cả văn bản áp dụng sử dụng chữ ký số đều được thực hiện theo mô hình đồng thời tích hợp liên thông trên hệ thống văn phòng điện tử; Có 356 văn bản được ký số trao đổi giữa các cơ quan nhà nước. Hầu hết các đơn vị đều thực hiện ký số trên các loại văn bản trong 07 loại văn bản quy định gồm Công văn, Báo cáo, Kế hoạch, Văn bản gửi các cơ quan để biết, để phối hợp, Giấy mời, Lịch công tác, Văn bản sao gửi, giới thiệu con dấu, chữ ký.
Chữ ký số đã phát huy hiệu quả sử dụng trong thực tế; hầu hết các đơn vị đã thực hiện ký số các loại văn bản điện tử theo quy định của UBND tỉnh và thực hiện theo quy trình phát hành văn bản trên hệ thống văn phòng điện tử dùng chung, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Việc triển khai chữ ký số chứng thực văn bản điện tử kết hợp tính năng liên thông trên hệ thống văn phòng điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng, hạn chế tối đa sử dụng văn bản giấy, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong các cơ quan Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, việc ứng dụng chữ ký số vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Do lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm trong việc triển khai ứng dụng này nên dẫn đến việc thực hiện ký số của cán bộ lãnh đạo ở một số đơn vị chưa thường xuyên. Thiết bị ký số còn giới hạn ứng dụng trên thiết bị là máy tính có hệ điều hành theo quy định, chưa phát triển ứng dụng trên các thiết bị thông dụng hiện nay như máy tính bảng, điện thoại thông minh,… Ngoài ra, còn gặp lỗi kỹ thuật khi ứng dụng vận hành.
Để việc thực hiện ký chữ ký số được thuận lợi, hiệu quả hơn, đặc biệt khi triển khai đồng bộ trong các cơ quan Nhà nước trong tỉnh, lãnh đạo các đơn vị phải thật sự quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin, thường xuyên ứng dụng chữ ký số vào công tác. Hệ thống chứng thực chữ ký số phải đảm bảo hoạt động ổn định, nhanh chóng khắc phục các lỗi kỹ thuật nếu xảy ra.
LN