Tây Ninh: Chủ động phòng, chống cúm A (H5N1), (H7N9) trên người

Thứ hai - 27/01/2014 00:00 36 0
Tình hình dịch cúm A (H5N1) trong năm 2013 đã xảy ra ở 02 tỉnh khu vực phía Nam là Đồng Tháp và Long An, với hai trường hợp mắc và có 01 trường hợp đã tử vong. Mới đây tại tỉnh Bình Phước có 01 trường hợp mắc và tử vong. Tại Tây Ninh, tính từ năm 2006 đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A (H5N1), tuy nhiên trong 3 tháng đầu năm 2013 đã xảy ra 4 ổ dịch tại 6 hộ chăn nuôi gia cầm ở 4 xã của huyện Bến Cầu và xã Bình Minh, thuộc Thành phố Tây Ninh.

Trong đó tổng số gia cầm chết và bị tiêu huỷ là 4.900 con. Trong những tháng cuối năm 2013 giám sát trên một số mẫu gia cầm phát hiện dương tính với cúm A (H5N1). Hiện nay, việc xử lý các ổ dịch đã thực hiện xong, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh ổn định, không phát sinh mới gia cầm ốm, chết.

Tuy nhiên, nhận định tình hình trong thời gian tới Tây Ninh có nhiều yếu tố nguy cơ có khả năng bùng phát dịch với các lý do sau đây: Tây Ninh là tỉnh có đường biên giới giáp với Campuchia dài 240 Km, có hai cửa khẩu quốc tế, 4 cửa khẩu chính, 10 cửa khẩu phụ và nhiều lối mòn ngỏ tắt, là nơi thông thương giao lưu giữa du khách và hàng hoá trên thế giới qua lại thường xuyên hàng ngày với số lượng lớn, nguy cơ lây truyền bệnh từ người, từ thực phẩm gia cầm ở nước ngoài xâm nhập vào Tây Ninh là điều có thể xảy ra, nhất là dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Đáng lưu ý hiện nay tình hình dịch cúm gia cầm tại Campuchia vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong thời gian gần đây một số cư dân biên giới nuôi, sử dụng gà đá, gà chọi diễn biến phức tạp tiềm ẩn nhiều nguy cơ và khó kiểm soát.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống và sẵn sàng ứng phó dịch bệnh cúm A (H7N9), để chủ động trong công tác phòng chống cúm A (H5N1), (H7N9), kịp thời phát hiện, ngăn chặn, hạn chế sự lây lan dịch bệnh,  sáng nay 27/01/2014, đồng chí Nguyễn Thảo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh đã chủ trì cuộc họp với các ngành thành viên để thống nhất kế hoạch phòng, chống dịch cúm A (H5N1), (H7N9) năm 2014, nhất là vào dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.

Mục tiêu chung là phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch cúm A (H5N1), (H7N9) trên người. Trong đó có các hoạt động chính: Giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh qua biên giới, lưu ý những khách nhập cảnh từ vùng dịch. Kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị, xử lý kịp thời nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh ta qua các cửa khẩu; Kiểm soát chặt chẽ sản phẩm gia cầm, thuỷ cầm nhập khẩu, ngăn ngừa nhập lậu thực phẩm từ gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường; Chuẩn bị sẵn sàng cán bộ chuyên môn, cơ số thuốc, khu vực cách ly; tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế tử vong do cúm A (H7N9); Tăng cường giám sát, chủ động lấy mẫu bệnh phẩm bệnh nhân có hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nghi do virus hoặc các ca nhiễm trùng hô hấp nặng, nhằm xác định sớm tác nhân gây bệnh để có biện pháp ngăn chặn kịp thời; Củng cố các đội cơ động phòng, chống dịch tại các tuyến từ tỉnh đến cơ sở, sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra;

Ngành Nông nghiệp và Phát tiển nông thôn chủ trì phối hợp liên ngành kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh; điều tra, ngặn chặn và bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để xảy ra hiện tượng buôn bán gia cầm chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt là gia cầm tại các chợ đầu mối.

Tăng cường tính chủ động từ cơ sở, đặc biệt là xóm ấp, xã/phường/thị trấn phát hiện ca bệnh và ổ dịch gia cầm.

Tăng cường công tác truyền thông hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, chống cúm A (H5N1), (H7N9); thông tin kịp thời về tình hình cúm cho cộng đồng; hướng dẫn nhân dân sử dụng, chế biến, vận chuyển, mua bán gia cầm an toàn.

Ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp trong phòng, chống dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống cúm A (H5N1), (H7N9) trên người.

QD  

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây