Để thiết thực lập thành tích chào mừng đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, tiến tới đại hội MTTQVN lần thứ VIII, MTTQVN tỉnh Tây Ninh đã tổ chức, phát động thi đua sâu rộng trong toàn tỉnh; trong đó tập trung vào các nội dung nhiệm vụ chủ yếu như: Thứ nhất: đổi mới một bước cơ bản về nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận theo phương châm “công tác Mặt trận phải hướng về cơ sở, đến từng địa bàn Khu dân cư, tổ Dân cư tự quản và tận hộ gia đình”, nội dung, nhiệm vụ của Mặt trận tập trung vào việc nâng cao chất lượng các phong trào, các Cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc chủ trì, đặc biệt là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC” gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thứ hai: nâng cao chất lượng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, ngoài mục tiêu xây nhà đại đoàn kết, MTTQ sẽ phối hợp với các tổ chức thành viên, đẩy mạnh việc hỗ trợ vốn cho người nghèo có điều kiện sản xuất, chăn nuôi, buôn bán nhỏ...thứ ba: kiện toàn tổ chức MTTQ đủ mạnh để có khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao, thứ tư: nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử và giám sát chuyên đề trọng tâm, bức xúc...đến nay các nội dung, nhiệm vụ mà phong trào thi đua đề ra đã mang lại kết quả tốt, trong đó có thể nói đến mô hình : “Xuất Quỹ vì người nghèo để hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo sản xuất, chăn nuôi tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo một cách bền vững”.
Là một tỉnh nông thôn, biên giới; đời sống người dân đa phần bằng nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, năm 2010 là 8,78 % ( 23.400 hộ); Thực hiện Đề án 02/ĐA-MTTW-BTT ngày 06/9/2010 của Ban Thường trực UBTWMTTQVN về “Tiếp tục nâng cao chất lượng Cuộc vận động Ngày vì người nghèo góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững trong giai đoạn mới”. Sau khi xin ý kiến và được sự đồng ý của Thường trực tỉnh ủy, từ tháng 9 năm 2012 Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã xây dựng đề án số 01/ĐA-MTTT-BTT ngày 07/9/2012 về “Hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo sản xuất chăn nuôi” trên địa bàn tỉnh với mục đích nâng cao hơn nữa hiệu quả Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, tạo điều kiện giúp người nghèo, hộ nghèo trong tỉnh có việc làm thường xuyên, tăng thu nhập ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo một cách bền vững, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tây Ninh hoàn thành nhiệm vụ chính trị là xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, trước mắt là hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới ở 9 xã điểm của tỉnh trong năm 2014. Đề án hướng tới là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo ở 9 xã xây dựng nông thôn mới của tỉnh và xem đây là thí điểm nếu thành công sẽ mở rộng ra trong những năm tiếp theo. Điều kiện được hỗ trợ là hộ gia đình phải có sức lao động, chí thú làm ăn nhưng thiếu vốn. Thời gian hỗ trợ là 2 năm (24 tháng) với hình thức hỗ trợ là cho vay nhưng không tính lãi. Định mức hỗ trợ là không quá 20 triệu đồng/ hộ tùy theo phương án sản xuất, chăn nuôi hay kinh doanh mua bán nhỏ…
Về cách triển khai, sau khi xây dựng Đề án và được sự đồng ý của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh phối hợp với Hội nông dân tỉnh tổ chức hội nghị triển khai, mời lãnh đạo UBND, MTTQVN và Hội Nông dân các huyện, thành phố về quán triệt ý kiến chỉ đạo của Tỉnh uỷ và triển khai hướng dẫn thực hiện Đề án; đồng thời thành lập Ban điều hành thực hiện Đề án của tỉnh gồm lãnh đạo và cán bộ chuyên môn của 2 cơ quan Mặt trận và Hội Nông dân tỉnh; nhiệm vụ của Ban điều hành là thẩm định, hướng dẫn các xã lập hồ sơ dự án, tiến hành kiểm tra, khảo sát thực tế các hộ có tên trong dự án từng huyện, xã; báo cáo kết quả kiểm tra, khảo sát và đề xuất giải ngân cho từng dự án; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng, năm cho Đảng đoàn MTTQ, Hội nông dân tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy..
Bên cạnh đó MTTQ và Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các huyện thị tập huấn, hướng dẫn cho các xã điểm nộng thôn mới được chọn thực hiện Đề án về quy trình lập Dự án, kèm theo phương án sản xuất chăn nuôi của từng xã, từng hộ vay. Chỉ đạo thành lập Ban quản lý dự án xã do một lãnh đạo UBND xã làm trưởng ban. Tổ chức họp Chi hội Nông dân các ấp để tuyên truyền, quán triệt mục đích, ý nghĩa, thời gian thực hiện đề án, bình xét đối tượng được hỗ trợ, lập hồ sơ thủ tục vay vốn của hộ gia đình, đúng theo yêu cầu, hướng dẫn đề ra…
Với cách làm thận trọng nhưng quyết liệt, sau hơn 1 năm triển khai, thực hiện đến nay, Ban vận động “Quỹ vì người nghèo” tỉnh đã giải ngân được 08/9 dự án ở 8/9 huyện thành phố thuộc tỉnh, có 210 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ, với tổng số tiền là 4,1 tỷ đồng ; ngoài ra, trên cơ sở đề án của tỉnh Quỹ vì người nghèo 2 huyện Tân Biên và Gò Dầu được sự đồng ý của Huyện uỷ đã triển khai được 3 dự án với số tiền là 1,2 tỷ đồng cho 60 hộ nghèo ở các xã điểm nông thôn mới của huyện vay.
Về hiệu quả có thể nói bước đầu là đáng mừng, qua kết quả kiểm tra thực tế chỉ tính ở 4 xã đã giải ngân trong năm 2013 có 115 hộ được vay với tổng số tiền là 2,2 tỷ đồng, với 95 hộ vay, mỗi hộ 20 triệu đồng và 20 hộ vay, mỗi hộ 15 triệu đồng; trong đó có 82/115 hộ vay chăn nuôi trâu bò, gà, cá, cút, có 11 hộ vay sản xuất các loại cây trồng như mì, tiêu, cây cao su giống, cây kiểng, có 15 hộ mua bán nhỏ lẻ…
Từ nguồn vốn hỗ trợ của dự án, các hộ này đã mua 72 con bò cái và 5 con trâu, hiện nay đàn trâu, bò này đang phát triển tốt, nhiều con đã sinh sản và lợi nhuận mang lại là khá cao ; theo ước tính sơ bộ, từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu của 4 dự án là 2,2 tỷ đồng, sau 1 năm sử dụng lợi nhuận từ nguồn vốn ban đầu đã tăng thêm ước khoảng trên 1,5 tỷ đồng; cụ thể xã An Hòa, huyện Trảng bàng từ 500 triệu đến nay lợi nhuận thu về ước khoảng 900 triệu; xã Trường Tây, huyện Hoà Thành từ 500 triệu đồng vốn vay, đến nay ước khoảng 800 triệu; xã Thạnh Bình, huyện Tân biên từ vay 600 triệu đến nay ước khoảng 01 tỷ đồng; xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu từ vay 600 triệu đến nay ước khoảng 800 triệu. Cá biệt có những hộ đến nay đã tăng gấp đôi nguồn vốn vay ban đầu, điển hình như hộ Kim Quang, người dân tộc Chăm ở ấp Thạnh An, xã Thạnh Bình (Tân Biên) từ nguồn vốn vay 20 triệu và được cha mẹ hỗ trợ thêm 4 triệu đã mua 2 con bò cái , sau hơn 1 năm chăn nuôi đến nay đã sinh 2 bê con trên 4 tháng và 2 bò mẹ cũng đã phủ giống lại hơn 1 tháng, giá trị tài sản của anh (chị) Quang ước đạt trên 60 triệu đồng và khả năng thoát nghèo của gia đình chị Quang là rất khả thi, hay hộ Tống Thị Huyện, Phan Văn Hải ngụ ấp Hòa Hưng, xã An Hòa (Trảng Bàng); hộ Nguyễn Minh Quân, ấp Trường Huệ, xã Trường Tây ( Hoà Thành) từ nguồn vốn được hỗ trợ 20 triệu/ hộ, các hộ này đã mua 3 con bò cái, sau một năm chăm sóc đã sinh được 3 bê con, đến nay cả bò mẹ và bê con của 3 hộ này ước trên 120 triệu đồng và còn nhiều hộ khác vay tiền nuôi trâu, bò đều sinh lợi cao, khả năng hoàn vốn tốt.
Đối với những hộ vay sản xuất, chăn nuôi gà, cá, chim cút, mua bán nhỏ lẻ tuy hiệu quả không bằng chăn nuôi trâu, bò nhưng cũng đã mang lại lợi nhuận khá, khả năng thu hồi vốn cũng như thoát nghèo cũng rất khả thi.
Thông qua việc hỗ trợ vốn ở 4 xã trên đã tạo việc làm ổn định cho trên 140 lao động ở nông thôn, giúp các hộ nghèo, cận nghèo tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và khả năng thoát nghèo khá cao, góp phần cùng các xã thực hiện hoàn thành tiêu chí số 10, 12 của bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Qua 1 năm triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo sản xuất chăn nuôi của Mặt trận tỉnh đã mang lại hiệu quả bước đầu rất đáng khích lệ, nguồn vốn đã tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho lao động nghèo, tăng thu nhập cho người nghèo nhất là điều kiện tốt nhất để giúp người nghèo thoát nghèo một cách bền vững ở các xã xây dựng nông thôn mới. Có được thành quả như trên trước hết là được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặc chẽ của Đảng đoàn UBMTTQVN tỉnh và Đảng đoàn Hội Nông tỉnh, nên Đề án “Hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh” được triển khai đúng lúc, kịp thời, tạo điều kiện để người nghèo có cơ hội lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo một cách bền vững, góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, được các ngành, các tầng lớp nhân dân ở cơ sở, địa bàn Khu dân cư đồng tình , đánh giá cao.
Nguyễn Nhiếm (MTTQ tỉnh Tây Ninh)