Tại cuộc họp giao ban báo chí chiều ngày 8/01/2013, ông Phạm Văn Quan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tây Ninh đã thông tin cho biết:
Từ khi triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về việc bình ổn giá, Sở Công Thương nhận được 7 đơn vị đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá thị trường. Trong đó có 6 mặt hàng đăng ký tham gia là: Sách giáo khoa và sách bài tập, gạo, đường, thịt heo, thịt gà và sữa. Tổng nguồn vốn dự trữ hàng hoá bình ổn là 53 tỷ đồng. Tính đến nay đã có 3 đơn vị nhận vốn hỗ trợ của chương trình là Công ty Sách- thiết bị giáo dục Tây Ninh nhận hơn 5,3 tỷ đồng dự trữ 99.000 bộ sách giáo khoa, sách bài tập; Công ty đường Bourbon Tây Ninh nhận hỗ trợ 1,7 tỷ đồng dự trữ 100 tấn đường; Công ty TNHH-TMDV Sài Gòn- Tây Ninh tham gia chương trình bình ổn mặt hàng thịt heo các loại với số lượng 30 tấn và được hỗ trợ hơn 2,2 tỷ đồng. Hiện nay có 3 đơn vị tự lực nguồn vốn không nhận hỗ trợ của chương trình là Công ty TNHH Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh- chi nhánh Tây Ninh tham gia bình ổn thị trường với số lượng 500 tấn gạo; Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk đăng ký tham gia chương trình ổn mặt hàng sữa cho tất cả người tiêu dùng; Sở Y tế đã tổ chức đấu thầu giá thuốc nên giá bán thuốc tại các cửa hàng, đại lý trực thuốc luôn thấp hơn giá bán của các cửa hàng thuốc tư nhân và giá đấu thầu này được thực hiện đến hết năm 2013.
Ông Phạm Văn Quan, Phó Giám đốc Sở Công thương cung cấp thông tin cho báo chí.
Ngoài ra, Sở Công Thương còn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức nhiều phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”. Trong năm 2012 đã tổ chức 3 phiên chợ ở 3 huyện: Tân Biên, Tân Châu và Dương Minh Châu và từ nay đến trước tết nguyên đán sẽ tổ chức 4 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” ở các huyện Trảng Bàng, Tân Châu, Tân Biên, Dương Minh Châu để đưa nguồn hàng đến tay người tiêu dùng ở vùng nông thôn, biên giới. Đồng thời, Sở phối hợp với UBND các huyện tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức những chuyến bán hàng lưu động bình ổn giá và các điểm bán hàng cố định tại các huyện, thị và các khu, cụm công nghiệp vào các dịp lễ, tết.
Tết Nguyên đán đã gần kề, hiện nay thị trường hàng hoá và dịch vụ bắt đầu sôi động. Các mặt hàng bày bán đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã, đảm bảo phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hàng nội địa được người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch, dự trữ cung cấp 14 mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá phục vụ Tết với số lượng lớn có tổng giá trị trên 540 tỷ đồng.
Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn hàng hoá phục vụ nhân dân, UBND tỉnh còn chỉ đạo các ngành có liên quan tăng cường công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Với vai trò là Thường trực Ban chỉ đạo 127 của tỉnh, ngay từ đầu quý 4/2012, Sở Công Thương đã thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, thường xuyên nắm tình hình cung cầu, giá cả một số mặt hàng thiết yếu, nhạy cảm, chủ động phòng ngừa và có biện pháp xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật thương mại, không để xảy ra tình trạng lợi dụng biến động bất thường của giá vàng và đô la Mỹ để tăng giá một số mặt hàng bất hợp lý, tuỳ tiện; kiểm soát chặt chẽ việc giữ ổn định giá bán các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá theo Luật giá và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên thị trường nội địa. Tập trung kiểm tra, kiểm soát, quản lý giá cả nhất là những mặt hàng quy định phải kê khai giá, đăng ký giá, mặt hàng bình ổn giá, việc thực hiện niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, các quy định pháp luật về thương mại; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp lễ, tết cuối năm. Tập trung vào phát hiện, kiểm tra, xử lý tình trạng vận chuyển, mua bán các mặt hàng cấm như: tiền giả, pháo, đèn trời các loại, thuốc nổ,, ma tuý, động vật hoang dã, gỗ và các loại lâm sản quý hiếm; các mặt hàng thiết yếu và tiêu thụ nhiều như: xăng dầu, rượu ngoại, thuốc lá ngoại, bia, nước giải khát, bánh mức, kẹo, hoa quả, lương thực thực phẩm các loại, rau, củ quả, gia súc gia cầm và quần áo, đồ gia dụng.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đo lường, chất lượng hàng hoá, ghi nhãn hàng hoá; kịp thời phát hiện và xử lý các thủ đoạn, hành vi gian lận đo lường, đóng gói để tăng giá; các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; phát hiện xử lý các hành vi gian lận về đo lường, chất lượng xăng dầu, gas, phân bón, mũ bảo hiểm.
Tổ chức lực lượng kiểm tra thường xuyên, liên tục nhất là các địa bàn trọng điểm, phát hiện xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, mua bán hàng cấm. Bố rí lực lượng kiểm soát hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá tại khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hoá gần biên giới, khu vực chợ đầu mối, nơi tập kết hàng nhập lậu, các tuyến đường bộ, đường thuỷ; phát hiện và xử lý nghiêm mọi hoạt động buôn lậu, buôn bán vận chuyển hàng hoá không có giấy tờ hợp pháp, hàng giả và gian lận thương mại.
Trong thời gian trước, trong và sau tết các ngành chức năng đã đồng loạt ra quân kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hoá xuất nhập khẩu, hành lý theo người xuất nhập cảnh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại ở các cửa khẩu chính, phụ, ngăn chặn việc vận chuyển hàng hoá nhập lậu qua hai bên cánh gà cửa khẩu; kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát; tăng cường tuần tra, kiểm soát quanh khu vực biên giới, các khu vực có nhiều đường mòn lối mở qua lại biên giới. Công an tỉnh thành lập chuyên án điều tra, triệt phá các đường dây buôn lậu có tổ chức, mang tính chuyên nghiệp, ngăn chặn tình trạng buôn lậu vàng, ngoại tệ, xăng dầu, buôn bán vận chuyển các mặt hàng cấm như thuốc lá ngoại, rượu ngoại trên các tuyến đường sông. Ngành Y tế tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra về đo lường, chất lượng hàng hoá, đặc biệt là xăng dầu. Quản lý thị trường kết hợp với ban quản lý các chợ thực hiện kiểm tra kiểm soát các chợ, trung tâm thương mại, nơi tập trung nguồn hàng để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm việc chấp hành pháp luật về giá, buôn lậu, hàng giả và gian lận thường mại.
Với nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự năng động của các doanh nghiệp và sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của các ngành chức năng, sẽ đảm bảo đầy đủ nguồn hàng phục vụ nhân dân trong dịp tết.
NHẬT QUANG
Ý kiến bạn đọc