Tây Ninh: Năm 2016 có 10/80 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 27/02/2017 15:00 35 0
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2016, phong trào xây dựng nông thôn mới tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

DSC05597.JPG

Mô hình sản xuất bánh đa mè cho thu nhập ổn định (ảnh Huy Liệu).

Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (XDNTM) các huyện, thành phố đã phân công thành viên phụ trách các xã; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ về XDNTM, đồng thời chỉ đạo 16 xã đã đạt chuẩn NTM, 06 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016 xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Chương trình.

Công tác tuyên truyền, vận động được các huyện, thành phố quan tâm, năm 2016 đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau như: Thông qua hệ thống Đài Phát thanh của các huyện, xã; tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp UBND, HĐND, các tổ chức đoàn thể, tổ dân cư tự quản; tờ rời, panô; báo chí. Qua đó, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhận thức của cả hệ thống chính trị, nhân dân trên địa bàn huyện, xã. Trong đó xác định người dân vừa là chủ thể XDNTM vừa là đối tượng thụ hưởng trực tiếp của Chương trình, từ đó nhân dân tự nguyện đóng góp công sức, tiền bạc, đất…, tự giác tham gia các hoạt động trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.

Ngay từ đầu năm 2016, Ban Chỉ đạo XDNTM các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình; kiểm tra định kỳ 6 tháng, cuối năm; đồng thời phân công nhiệm vụ từng thành viên Ban Chỉ đạo XDNTM hướng dẫn, hỗ trợ các xã thực hiện tiêu chí NTM. Mặt khác, đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành huyện tổ chức nhiều đợt kiểm tra việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao của từng xã, những mặt làm được, hạn chế khó khăn và đề xuất hướng khắc phục; khảo sát thực tế tại các xã, các địa điểm xây dựng nhà văn hóa, các trường để chuẩn bị đầu tư thực hiện giai đoạn 2016 - 2020; thành lập đoàn kiểm tra, thẩm tra, đánh giá công nhận các tiêu chí đạt của xã và hướng dẫn các xã lập hồ sơ công nhận xã đạt tiêu chí nông thôn mới.

Năm 2016, số lượng tiêu chí NTM trên toàn tỉnh: 1.085 tiêu chí, tăng thêm 111 tiêu chí so với năm 2015, bình quân mỗi xã đạt 13,6 tiêu chí (tăng 1,6 tiêu chí so với năm 2015). Trong đó, tăng cao nhất ở các huyện: Châu Thành (32 tiêu chí, bình quân 11,3 tiêu chí/xã), Bến Cầu (26 tiêu chí, bình quân 15,6 tiêu chí/xã), Dương Minh Châu (20 tiêu chí, bình quân 13,8 tiêu chí/xã); tăng thấp nhất các huyện: Tân Biên (01 tiêu chí, bình quân 14,7 tiêu chí/xã), Tân Châu (giảm 05 tiêu chí so với năm 2015, bình quân 10,1 tiêu chí/xã). Huyện Gò Dầu có số tiêu chí bình quân/xã cao nhất trong toàn tỉnh (15,9 tiêu chí).

Cũng trong năm 2016, số xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí 10/80 xã (chiếm 12,5% số xã); số xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí 35/80 xã (chiếm 43,8% số xã); số xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí 14/80 xã (chiếm 17,5% số xã.

Năm 2016, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình trên địa bàn các huyện, thành phố 1.149.159 triệu đồng, trong đó: Vốn ngân sách: 469.895 triệu đồng, chiếm 40,8% tổng nguồn vốn đầu tư, trong đó ngân sách cấp huyện bố trí đối ứng các công trình, dự án 86.771 triệu đồng.  Vốn tín dụng: 612.380 triệu đồng, chiếm 53,3% tổng nguồn vốn đầu tư. Vốn huy động doanh nghiệp, HTX, các tổ chức kinh tế khác: 39.167 triệu đồng, chiếm 3,4% tổng nguồn vốn đầu tư. Vốn huy động cộng đồng dân cư: 27.717 triệu đồng, chiếm 2,5% tổng nguồn vốn đầu tư; trong đó: Đạt cao nhất ở các huyện: Tân Biên (8.058 triệu đồng), Gò Dầu (7.530 triệu đồng) và thấp nhất huyện Tân Châu (976 triệu đồng), Bến Cầu (211 triệu đồng).

Tuy nhiên, theo đánh giá Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thực hiện Chương trình mục MTQG xây dựng nông thôn mới tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tồn tại những hạn chế nhất định như công tác tuyên truyền Chương trình có nội dung chưa phong phú, đi vào chiều sâu, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ vai trò của cộng đồng trong XDNTM. Việc huy động vốn trong dân chưa đạt hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương.

Một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc trách nhiệm của địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nhưng kết quả còn thấp, thiếu bền vững (thu nhập, tỷ lệ người dân tham gia BHYT, môi trường).

Việc đánh giá tiêu chí của các xã chưa có sự thống nhất giữa các huyện với các Sở, Ngành tỉnh phụ trách tiêu chí; chủ yếu chỉ phối hợp đánh giá, thẩm định tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn NTM và các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM.

Một số vấn đề tồn tại ở các xã đã đạt chuẩn NTM chưa được hoàn thành dứt điểm như: Công tác giải phóng mặt bằng chợ xã Phước Trạch huyện Gò Dầu; hoàn chỉnh đường giao thông ngõ xóm trên địa bàn xã An Tịnh huyện Trảng Bàng, cảnh quan môi trường nông thôn chưa thật sự xanh - sạch - đẹp, vẫn còn xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi.

Việc rà soát, điều chỉnh Quy hoạch, Đề án xây dựng xã nông thôn mới thực hiện còn chậm. Kế hoạch năm 2016 chưa đảm bảo nhu cầu vốn để hoàn thành các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí vốn chưa kịp thời hoặc còn thiếu so với tổng mức đầu tư. Còn 66 dự án chưa được phân khai vốn (các xã Phước Ninh, Lộc Hưng, Long Thuận), ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các tiêu chí hạ tầng; thời tiết mưa kéo dài nên nhiều công trình chậm được khởi công. Các xã không được chọn là xã điểm XDNTM hầu như chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện Chương trình.

ĐN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây