Ô nhiễm môi trường nước do chất thải sinh hoạt.Ảnh minh họa
Nhìn chung trên địa bàn Tây Ninh, công tác quản lý môi trường đã góp phần hạn chế được mức gia tăng ô nhiễm. Từ năm 2011-2014, cho thấy ô nhiễm đang từng bước được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn một số nơi bị ô nhiễm, các điểm ô nhiễm môi trường thường tập trung tại các lưu vực sông, khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề gia tăng đã trở thành những vấn đề nóng và là mối quan tâm của toàn xã hội. Ô nhiễm môi trường không những gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội và các hệ sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Trong giai đoạn 2010-2015, việc thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường tại Tây Ninh được tăng cường, hoàn thiện và bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân ngày càng đi vào nề nếp. Các điểm nóng về môi trường từng bước được giải quyết có hiệu quả. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 3 đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải được cấp phép hoạt động, ngoài ra còn các đơn vị có chức năng từ các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM đến thu gom, vận chuyển và xử lý. Có 18 cơ sở y tế, (trong đó có 2 bệnh viện tư nhân và 16 cơ sở y tế công lập) thì có 2 bệnh viện tư nhân thực hiện thu gom và xử lý chất thải rắn y tế đạt yêu cầu, 9 cơ sở y tế công lập đưa vào sử dụng công trình xử lý chất thải cuối năm 2014 đảm bảo thu gom, xử lý 96% chất thải y tế phát sinh và đến năm 2015 đạt 100%.
Để góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường, trong thời gian tới, Tây Ninh đưa ra nhiều giải pháp cụ thể giải quyết những vấn đề nóng về môi trường. Theo đó, tỉnh đề cập đến các chính sách tổng thể và các chính sách đối với các vấn đề ưu tiên trên địa bàn tỉnh và đề xuất các giải pháp về giám sát chất lượng, cảnh báo ô nhiễm môi trường như nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ, địa phương, quy hoạch phát triển, nghiên cứu và triển khai ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2016-2020.
Trong giai đoạn 2016-2020, trước mắt tỉnh sẽ đề ra một số giải pháp bảo vệ môi trường: Kiện toàn tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cơ quan nhà nước nhằm nâng cao năng lực hệ thống quản lý nhà nước về tài nguyên và bảo vệ môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức các quy định của pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai thực hiện các đề án, dự án cải tạo các kênh, rạch đang có nguy cơ bị ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước như nạo vét, khơi thông dòng chảy, xây dựng kè tại các khu vực sạt lở, khu vực xung yếu; triển khai thực hiện dự án quy hoạch xử lý chất thải rắn tỉnh Tây ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy tái chế và xử lý chất thải rắn công nghiệp và sinh hoạt;…Theo đó, về lâu dài tỉnh sẽ có những giải pháp để bảo vệ môi trường như: Ban hành quy chế cụ thể hóa về xây dựng và quản lý thị trường trao đổi chất thải trên địa bàn tỉnh, liên tỉnh nhằm khuyến khích khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, tạo các nguồn vốn đầu tư bổ sung cho bảo vệ môi trường, giảm thiểu các loại chất thải phát sinh và chi phí xử lý chất thải; bố trí ngân sách phù hợp cho công tác điều tra cơ bản, xử lý ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường lưu vực sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông thuộc Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, đảm bảo sử dụng minh bạch, đúng mục đích và hiệu quả nguồn vốn ODA và các nguồn hỗ trợ Quốc tế khác;…..
Kim Hà