Tây Ninh ứng dụng khoa học và công nghệ trên tất cả các lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà

Thứ ba - 22/12/2015 16:00 83 0
Trong thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền nâng cao nhận thức về khoa học và công nghệ (KH&CN) được quan tâm, việc phát triển KH&CN là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là việc quản lý, đầu tư nghiên cứu ứng dụng KH&CN trên tất cả các lĩnh vực đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.

​Hoạt động nghiên cứu ứng dụng được triển khai tích cực, tính từ năm 2012, tỉnh có trên 50 đề tài, đề án, dự án nghiên cứu KH&CN trong đó có 02 dự án nông thôn miền núi với tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách sự nghiệp khoa học trên 32 tỷ  đồng; Tổ chức nghiệm thu 30 đề tài, đề án, dự án với tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách sự nghiệp khoa học trên 16 tỷ. Công tác tổ chức xét duyệt, triển khai, nghiệm thu đề tài, dự án thực hiện theo kế hoạch và danh mục đề tài/dự án được phê duyệt hàng năm. Kết quả của các đề tài, dự án đã giúp địa phương tiếp nhận, làm chủ và phát triển các công nghệ, giải quyết các vấn đề về: nâng cao năng suất, chất lượng cây lúa, cây mì; các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng và năng suất cao; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và sử dụng các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông sản an toàn. Các đề tài, dự án KH&CN sau khi nghiệm thu đã được ứng dụng trong công tác quản lý của các sở, ngành, được triển khai nhân rộng trong thực tiễn sản xuất và đời sống.

Hoạt động quản lý nhà nước ở cơ sở nhất là ở cấp huyện, thành phố được quan tâm, đẩy mạnh hơn qua việc thường xuyên củng cố, duy trì và nâng cao vai trò tham mưu, tư vấn hoạt động của các Hội đồng KH&CN cơ sở nhằm giúp huyện, thành phố có cơ sở, định hướng khoa học về phát triển KH&CN trên địa bàn gắn với nhu cầu phát triển KT-XH tại địa phương. Các chương trình KH&CN đã giúp các địa phương nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng cây trồng, vật nuôi; tạo ngành nghề mới, tạo việc làm; xây dựng các cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô vừa và nhỏ ở nông thôn; xử lý ô nhiễm môi trường, giải quyết nước sạch sinh hoạt và vệ sinh nông thôn; khai thác và sử dụng các dạng năng lượng mặt trời, sinh khối.

Thị trường công nghệ có nhiều khởi sắc, cùng với cả nước hoạt động này đã có nhiều khởi sắc và hứa hẹn tiềm năng to lớn. Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) đã tạo môi trường gắn kết nhà khoa học, nhà quản lý với nhà sản xuất, kinh doanh, được xã hội đánh giá là một trong những hình thức hoạt động có hiệu quả để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tổ chức cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các Hội chợ, qua đó giới thiệu tiềm năng của doanh nghiệp tỉnh nhà.

Công tác tuyên truyền, thông tin KH&CN được đẩy mạnh, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhằm phổ biến các kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án, những ứng dụng tiến bộ KH&CN. Các Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật, Hội thi sáng tạo kỹ thuật, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ được phát động, tuyên truyền báo, đài, cổng thông tin của tỉnh, đơn vị. Công tác tuyên truyền về sở hữu trí tuệ được chú trọng, nhiều lớp tập huấn, hội thảo được tổ chức cho các Hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ quan đơn vị quản lý nhà nước nhằm nâng cao nhận thức cho các Doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng của việc xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm làng nghề ở địa phương đồng thời khái quát được vai trò của nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận trong quá trình xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm đặc sản địa phương ra thị trường. Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của địa phương cùng các chính sách hỗ trợ đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có điều kiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước góp phần quảng bá sản phẩm đặc sản địa phương ra thị trường. Tạo điều kiện cho các sản phẩm đặc sản của Tây Ninh có thương hiệu, có chỗ đứng cạnh tranh trên thị trường, đồng thời duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đến nay, đã xây dựng và được công nhận 03 thương hiệu đặc sản của tỉnh như Mãng cầu Bà đen, Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, Muối ớt Tây Ninh.

Với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của KH&CN của tỉnh có chuyển biến tích cực, chất lượng công tác nghiên cứu phục vụ phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng được nâng cao; khuyến khích, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài đóng trên địa bàn tỉnh tham gia vào thị trường KH&CN, đầu tư và thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống của nhân dân.

Gia Huy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây