Tây Ninh: Ngưng cấp phép sản xuất gạch bằng đất sét nung

Thứ năm - 04/06/2015 11:00 91 0
Từ năm nay (2015), tỉnh ngưng cấp phép cho các dự án sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ lạc hậu như lò tuy nen, lò hoffman, lò đứng liên tục…

Tường được xây bằng gạch không nung. Ảnh minh hoạ

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành kế hoạch triển khai lộ trình hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; khuyến khích sản xuất, sử dụng gạch không nung theo công nghệ tiên tiến giai đoạn 2015-2020.

Theo đó, kể từ năm 2015 không cấp phép cho các dự án sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ lạc hậu như lò tuy nen, lò hoffman, lò đứng liên tục… gây lãng phí đất, ô nhiễm môi trường.

Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung nhằm tiết kiệm đất nông nghiệp, nguyên liệu than, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, ô nhiễm môi trường, góp phần giảm thiểu khí thải.

Từ nay đến năm 2020, tỉnh quy định tất cả các công trình xây dựng mà chủ đầu tư có vốn nhà nước từ 30% trở lên bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung theo tỷ lệ quy định.

Cụ thể, các dự án xây dựng được phê duyệt sau ngày 31.12.2015 phải sử dụng tối thiểu 20% vật liệu xây dựng không nung trong tổng số vật liệu của dự án, sau ngày 31.12.2019 phải sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây dựng không nung; các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, đến năm 2020 phải sử dụng tối thiểu 30% loại vật liệu này.

Đối với các doanh nghiệp đầu tư mới hoặc chuyển đổi mô hình từ sản xuất gạch đất sét nung sang vật liệu xây dựng không nung sẽ được tỉnh hỗ trợ chính sách ưu đãi về đầu tư, thuế, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo dựng thị trường đầu ra ổn định, đa dạng hóa các chủng loại theo hướng nhu cầu thị trường, như gạch xi măng – cốt liệu, gạch từ bê tông khí chưng áp-ACC, gạch từ bê tông khí không chưng áp, gạch từ bê tông bọt, tấm panel, tường thạch cao, 3D, đá chẻ, gạch đá ong…

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ có kế hoạch điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với đất sét sản xuất gạch lên mức tối đa 15%, nâng mức phí bảo vệ môi trường đối với việc khai thác khoáng sản làm gạch đất sét nung lên mức tối đa theo khoản 7 Chỉ thị số 10/CT-TTg  của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tăng cường  thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất gạch, ngói đất sét nung và các hoạt động khai thác đất làm nguyên liệu sản xuất gạch.

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, dự kiến nhu cầu sử dụng vật liệu xây của tỉnh đến năm 2020 là 700 triệu viên, trong đó kế hoạch sử dụng vật liệu xây dựng không nung phải đạt trên 200 triệu viên. Năng lực sản xuất các loại gạch xây dựng của các doanh nghiệp hiện nay trên địa bàn tỉnh đáp ứng đủ cho nhu cầu này.

 

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây