Hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lợi Thuận (Bến Cầu) chăm sóc vườn rau an toàn của lớp trồng rau năm 2014 (ảnh Quang Son)
Trong 4 năm, tổng số lao động nông thôn tham gia học nghề là 23.503 người, số lao động tốt nghiệp có chứng chỉ nghề là 22.676 đạt tỷ lệ 96,78%, trong đó, số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề: 17.375 người chiếm tỷ lệ 76,62% so với tổng số lao động tốt nghiệp có chứng chỉ nghề.
Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn" đã đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng về học nghề nhằm trang bị cho lao động nông thôn có tay nghề, am hiểu được khoa học kỹ thuật, tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm để góp phần cải thiện đời sống, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động. Đặc biệt chương trình đào tạo học nghề đã gắn liền với sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động nông thôn ở mọi cấp trình độ, các độ tuổi đều được tham gia học nghề.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có nhiều hình thức linh hoạt như: tập hợp lao động nông thôn tại các xã thành một cụm để đào tạo, địa điểm đào tạo được tổ chức tại T'rung tâm học tập cộng đồng hoặc nhà dân, do đó đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho lao động thôn tham gia học nghề.
Đồng thời, việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hóa.
Qua 4 năm, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, tạo được chuyển biến cơ bản trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và người lao động về vai trò quan trọng của công tác đào tạo nghề. Từ đó, hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên rõ rệt. Người học nghề tiếp cận được kiến thức chuyên môn, biết cách làm nghề, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, có cơ hội vào làm việc tại các trang trại, doanh nghiệp, nhiều lao động nông thôn được giải quyết việc làm và tự tạo việc làm, góp phần giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn Tây Ninh còn một số hạn chế như: Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có nơi, có lúc chưa được đồng bộ. Việc tiêu thụ sản phẩm làm ra từ học nghề còn hạn chế gặp nhiều khó khăn; Công tác, tuyên truyền tư vấn học nghề đôi lúc còn hạn chế, chưa tuyên truyền sâu rộng. Một bộ phận người lao động chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc học nghề nên chưa tích cực tham gia; Một số địa phương chưa quan tâm, quản lý học viên sau khi học nghề, chưa xây dựng mô hình đào tạo - gắn liền với việc làm, chưa liên hệ với các doanh nghiệp, trang trại, hộ sản xuất-kinh doanh để giới thiệu việc làm cho học viên sau học nghề, học viên tự tìm việc làm là chính.
Trong năm 2015, tỉnh đặt ra mục tiêu số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956: 4.265 người, trong đó nông nghiệp: 3,090 người; phi nông nghiệp: 1.175 người. Dự kiến kinh phí để hỗ trợ lao động nông thôn học nghề là 7.028.320.000 đồng trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ là 3.154.615.000 đồng, từ địa phương hỗ trợ là 3.873.705.000 đồng . Để đạt được mục tiêu trên, góp phần thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động cũng như giảm nghèo bền vững, tỉnh Tây Ninh xác định những giải pháp cụ thể cần thực hiện như sau:
Tăng cường tuyên truyền sâu rộng, bằng nhiều hình thức để lao động nông thôn nắm được chủ trương dạy nghề. Huy động tối đa cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở các cơ sở dạy nghề công lập và ngoài công lập, các nghệ nhân, người lao động có tay nghề cao, cá nhân điển hình sản xuất giỏi... tham gia dạy nghề. Tuyển chọn, bố trí cán bộ chuyên trách dạy nghề phải đảm bảo về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, dạy nghề. Chấn chỉnh các trường hợp bố trí kiêm nhiệm nhiều công việc. Mỗi nghề của cơ sở dạy nghề cần bố trí ít nhất 01 giáo viên cơ hữu cho nghề đó.
Các cấp chính quyền tạo điều kiện cho người lao động được vay vốn để người lao động sản xuất sau khi học nghề.
Có những giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy để đảm bảo: chương trình đào tạo phù hợp với trình độ, nhận thức của lao động nông thôn, áp dụng thực tế để khi hoàn thành khóa học, học viên có kỹ năng thực hành.
Tăng cường sự liên kết giữa các cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp. Các ngành nghề đào tạo cũng cần đa dạng hơn, trong đó tập trung chủ yếu vào việc đào tạo các nghề mà địa phương cần đồng thời phát triển các làng nghề truyền thống. Chuyển giao các kỹ thuật về trồng trọt, nuôi thủy sản, chăn nuôi thú y, dịch vụ nông nghiệp... để phát huy thế mạnh sẵn có ở địa phương. Thực hiện quyết liệt và đồng bộ giải pháp chuyển mạnh hình thức đào tạo nghề theo năng lực sẵn có của các cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động. Đào tạo các nghề sản xuất công nghiệp và dịch vụ để cung ứng nhu cầu lao động địa phương cho các KCN, khu chế xuất, xuất khẩu lao động.
Những giải pháp cụ thể này mang theo sự kỳ vọng sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hướng tới đáp ứng nguồn nhân lực cho thu hút đầu tư phát trển KT - XH và cho mục tiêu xóa đói - giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh.
MN