Tây Ninh: Những chặng đường lịch sử

Thứ năm - 30/04/2020 22:00 2.423 0
Kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 45 năm ngày giải phóng Tây Ninh (30/4/1975 - 30/4/2020), là dịp để tất cả chúng ta cùng ôn lại sự kiện lịch sử rất đỗi tự hào của quê hương Tây Ninh “trung dũng, kiên cường”, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của tỉnh nhà trên con đường phát triển. Để từ đó, cán bộ, đảng viên và Nhân dân cùng phấn đấu lao động, học tập, công tác, khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, xây dựng Tây Ninh phát triển nhanh và bền vững.

Những trang sử hào hùng

Nhân dịp chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ IX và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Thường vụ tỉnh ủy Tây Ninh đã biên soạn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930-2005), do nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2010.

Những sự kiện lịch sử đáng nhớ của tỉnh được ghi rõ trong quyển sách này, nhất là thời gian chiến đấu giải phóng hoàn toàn tỉnh Tây Ninh.

…Với Tây Ninh, thực hiện chỉ thị của Xứ ủy Nam Bộ, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, nhân dân Tây Ninh đã đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền vào đêm 25/8/1945, tham gia cuộc chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; làm nên chiến thắng Tua Hai vào ngày 26/01/1960, mở đầu cho phong trào đồng khởi vũ trang ở miền Đông Nam bộ.

Kết quả trong đợt I chiến dịch từ ngày 7-12 đến ngày 18-12-1974, quân dân Tây Ninh đã đánh 65 trận, tiêu diệt và bắt sống 931 tên (trong đó có nhiều sĩ quan cấp tá và cấp úy), tiêu diệt 5 đồn và đánh thiệt hại năng 10 đồn bót khác trên các địa bàn nam Tòa Thánh, Trảng Bàng, Gò Dầu, liên tỉnh lộ 13 Suối Đá (huyện Dương Minh Châu), Châu Thành, Bến Cầu; bắn cháy và phá hủy 12 máy bay các loại, phá hủy 14 khẩu pháo, bắn cháy 5 kho nhiên liệu và kho đạn, thu trên 149 súng các loại và nhiểu quân trang quân dụng.


Cờ giải phóng tung bay trên đỉnh núi Bà Đen 1975. (Ảnh BTN)

Bước vào đợt II chiến dịch, đêm 6 rạng sáng ngày 7-1-1975, bộ đội chủ lực Miền đánh một trận quyết định lên núi Bà Đen và hoàn toàn tiêu diệt cứ điểm này. Sáng ngày 7-1-1975, cờ Mặt trận dân tộc giải phóng tung bay trên đỉnh núi. Từ cao điểm 986m, pháo binh quân giải phóng đã khống chế toàn bộ hoạt động của địch ở thị xã. Địch phải làm việc, ăn ở dưới hầm ngầm, thị xã Tây Ninh từ đó đến ngày giải phóng giống như một thị xã chết.

Sau chiến thắng núi Bà Đen, Bộ Chỉ huy Quân sự Miền tăng cường thêm cho Tây Ninh Trung đoàn 205 và Trung đoàn 201. Để thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về "đánh bại cơ bản kế hoạch bình định lấn chiếm mới của địch ở địa phương", quân dân Tây Ninh hạ quyết tâm mở đợt tấn công mạnh, quét sạch ngụy quân và ngụy quyền ở vùng bờ tây sông Vàm Cỏ Đông, giải phóng dân, tạo thành hành lang nối liền Tây Ninh với Long An, mở đường cho quân chủ lực tràn xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tạo điều kiện thực hiện kế hoạch giải phóng Sài Gòn.

Với quyết tâm quét sạch quân ngụy, giải phóng quê hương, đêm 11-3-1975, lực lượng vũ trang tỉnh tấn công các yếu khu của địch trên toàn huyện Bến Cầu và ba xã cánh tây Trảng Bàng (Phước Lưu, Bình Thạnh, Phước Chỉ). Đến 15 giờ ngày 15-3-1975, lực lượng vũ trang Tây Ninh hoàn toàn làm chủ huyện Bến Cầu và ba xã trên. Bến Cầu là huyện đầu tiên của tỉnh được giải phóng. Địch tập trung lực lượng phản kích ác liệt nhưng vẫn không giành lại được.

Ngày 17-3-1975, trên chiến trường Đông Bắc tỉnh, bộ đội địa phương và du kích Dương Minh Châu kết hợp với Sư đoàn 9 quân giải phóng tấn công tiêu diệt các chốt địch ở Bến Củi, Đất Sét, Truông Mít, Cầu Khởi, Phan, Suối Đá. Đến đây, đại bộ phận vùng nông thôn Dương Minh Châu từ tỉnh lộ 26 đến lộ 2, từ Suối Đá đến núi Bà Đen đã được giải phóng.

Ở Tân Biên, lực lượng vũ trang Tây Ninh tiến công giải phóng Mỏ Công, Suối Ông Đình là những phần đất cuối cùng mà địch còn cố bám lấy trên địa bàn huyện Tân Biên. Trong khi đó, ở Gò Dầu, tinh thần binh lính địch hoang mang cực độ nên ngày 23-3-1975, tất cả dân vệ ở ấp chiến lược Thành Miên đã tự mang vũ khí về với cách mạng.

Song song với đấu tranh vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị và binh vận của quần chúng trong thời gian này cũng phát triển mạnh mẽ, phá lỏng thế kềm kẹp của địch khắp nơi.

Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch, đặt tên chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định là chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong bối cảnh nhiệm vụ chung là tranh thủ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa năm 1975, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cụ thể cho Tây Ninh là:

1. Tây Ninh phải tự lực giải phóng địa phương mình.

2. Phải tổ chức đánh địch liên tục để kềm chân Sư đoàn 25, liên đoàn biệt kích 81 và cả lực lượng địch ở địa phương không cho chúng rút chạy về Sài Gòn để góp phần tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực của ta tấn công giải phóng Sài Gòn.

Chấp hành tinh thần chỉ thị đó, Tỉnh ủy Tây Ninh đã đề ra nhiệm vụ: xã tự giải phóng xã, huyện tự giải phóng huyện, không để địch ở địa bàn này sang cố thủ ở địa bàn khác, vận động quần chúng đưa con em tham gia lực lượng vũ trang.

Với khí thế vô cùng sôi nổi, chỉ trong vòng 20 ngày kể từ ngày 4 đến ngày 24-4-1975, trên 3.000 thanh niên, trung niên tình nguyện lên đường tham gia lực lượng vũ trang. Ta tổ chức được 9 tiểu đoàn mới (trong đó ó 2 đại đội là tín đồ Cao đài). Các tiểu đoàn 20, 22, 24, 26 được tập trung bổ sung cho lực lượng chủ lực tỉnh, 5 tiểu đoàn còn lại của các địa phương gồm Tân Biên 1 tiểu đoàn, Châu Thành 2 tiểu đoàn, Trảng Bàng 2 tiểu đoàn ở cánh Tây và Đông. Ngoài ra, Tân Biên còn thành lập thêm 13 đại đội độc lập. Như vậy, ở thời điểm đó, toàn tỉnh có 12 tiểu đoàn. Du kích xã cũng phát triển khá mạnh, có xã quân số lên đến đại đội, xã ít nhất cũng có 20 du kích. Nhân dân hết lòng ủng hộ bộ đội, tổ chức đón rước, bố trí bảo vệ địa bàn dứng chân của bộ đội, sẵn sàng tạo mọi điều kiện để bộ đội giành chiến thắng.

Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị Ban thường vụ tỉnh ủy mở rộng để quán triệt quyết tâm của Đảng và bàn kế hoạch cụ thể việc giải phóng tỉnh, giải phóng từng huyện và đặc biệt là giải phóng thị xã - trung tâm đầu não của địch. Cùng thời gian đó, lực lượng vũ trang cách mạng đã áp sát Quốc lộ 22, các thị trấn, thị xã.

Chấp hành chỉ thị của Bộ chỉ huy Miền, đêm 24-4-1975, Tây Ninh dùng 3 tiểu đoàn 14, 18, 20 tổ chức đánh chiếm cầu Bầu Nâu, cắt đứt Quốc lộ 22 không cho Trung đoàn 49 thuộc Sư đoàn 25 ngụy tháo chạy về Sài Gòn.

17 giờ, ngày 26-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Với tinh thần quyết tâm giải phóng quê hương, quân, dân trong tỉnh đã đồng loạt tiến công và nổi dậy.

Ở Gò Dầu, ngày 26-4-1975, bộ đội huyện kết hợp với du kích và nhân dân tấn công các đồn trong huyện. Đến ngày 29-4-1975, huyện Gò Dầu cơ bản giải phóng, quân dịch chỉ còn 2 bót ở chỉ khu Gò Dầu và Bàu Đồn.

Ở Trảng Bàng, khi lực lượng chủ lực và xe tăng của ta đi qua để xuống Củ Chi và sang Hậu Nghĩa, trong tình hình địch hoang mang dao động cao độ, Huyện ủy hạ quyết tâm dồn hết lực lượng đồng loạt tấn công đều khắp địa bàn huyện. Ngày 27-4, lực lượng địa phương tấn công chiếm lĩnh Gia Huỳnh. Ngày 28-4 Tiểu đoàn 1 cánh đông của huyện dung 2 đại hội đánh vào chỉ khu Trảng Bàng và 1 đại đội kết hợp với du kích và nhân dân ở Gia Lộc, Lộc Hưng bao vây bức hàng đồn Rừng Cầy, Láng Liêm, Chùa Đá, Hốc Nai, Gia Tân, Bàu Hai Năm, Cầu Vân, Đồng Ớt và Chùa Mọi. Ngày 29-4, du kích An Tịnh với sự hỗ trợ của nhân dân, bao vây các đồn Suối Sâu, Biện Sen, Bàu Tràm, Cây Dương, An Thới, buộc địch phải đầu hàng. Đúng 16 giờ 29-4, quân dân Trảng Bàng đã cắm lá cờ giải phóng lên nóc dinh quận trưởng ngụy huyện Trảng Bàng, cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn trên Quốc lộ 1 làm cho Liên đoàn 33 biệt động quân của địch từ Gò Dầu chạy về Sài Gòn đến Trảng Bàng không có lối thoát buộc phải đốt xe, vất súng và đầu hàng. Trảng Bàng là "cuống họng" của Tây Ninh-Sài Gòn bị cắt đứt. Trảng Bàng là huyện thứ hai của tỉnh được giải phóng.

Tại huyện Dương Minh Châu, lực lượng huyện cùng với nhân dân bức hàng đồn Bàu Năng, Bàu Cóp, Chà Là trên tỉnh lộ 26, bọn lính ở các đồn này đầu hàng và được gom về tập trung tại trường học Ninh Hưng. Sau đó, bọn lính được thả về, chờ ngày ra trình diện. Đến 19 giờ, ngày 29-4-1975, huyện Dương Minh Châu cơ bản được giải phóng.

Ở huyện Châu Thành, ngày 29-4-1975, 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương huyện tiến vào khu tam giác Thanh Điền, Cao Xá, Thái Bình, hình thành thế bao vây thị xã. Trong khi đó, một bộ phận chủ lực của tỉnh áp sát phía nam thị xã và một bộ phận công an vũ trang đã lọt được vào trung tâm thị xã.

Tại thị xã, vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, qua máy bộ đàm, đại diện Ban Chỉ huy chiến dịch giải phóng Tây Ninh đã điện gọi tỉnh trưởng Bùi Đức Tài buộc phải ra lệnh cho binh lính buông súng đầu hàng. Cùng lúc pháo binh của ta từ núi Bà Đen liên tục bắn vào Tiểu khu, Tòa hành chính ngụy. Trước tình thế nguy khốn, Trung đoàn 49, Sư đoàn 25, biệt kích dù 81, biệt động quân 33 và phần lớn Thiết kỵ binh 3 tan rã và đầu hàng; các tiểu đoàn địa phương tinh thần rệu rã, không còn ý chí chiến đấu, cộng thêm kho vũ khí lớn nhất của Tiểu khu bị cháy, nổ do pháo ta bắn trúng. Không chịu nổi những trận bão lửa của pháo binh ta, đến 10 giờ ngày 30-4-1975, Bùi Đức Tài đại tá, Tỉnh trưởng Tây Ninh buộc phải qua máy bộ đàm liên lạc với ta và cử người ra gặp ta để xin đầu hàng.

Bùi Đức Tài cử 2 sĩ quan là Tạ Kim Lời, Tham mưu phó Tiểu khu và Tô Minh Trữ, Trưởng ban I đến gặp đại diện Sở Chỉ huy của ta tại Bến Kéo báo cáo việc chấp hành lệnh hạ vũ khí đầu hàng vô điều kiện.

10 giờ 30 phút, Bùi Đức Tài tuyên bố đầu hàng và ra lệnh cho các địa phương trong tỉnh hạ vũ khí đầu hàng quân cách mạng.

11 giờ ngày 30-4-1975, toàn bộ Bộ Chỉ huy Tiểu khu Tây Ninh, 13 tên tiểu đoàn trưởng, 2 quận trưởng Phú Khương-Phước Ninh và các trưởng ty do Bùi Đức Tài-Tỉnh trưởng dẫn đầu tập trung tại trụ sở xã Long Thành (Báo Quốc từ, đối diện sân vận động Long Hoa) nhận quy chế đầu hàng do đồng chí Nguyễn Thanh Dương, Chỉ huy trưởng chiến dịch giải phóng Tây Ninh công bố. Đúng 11 giờ ngày 30-4-1975, thị xã Tây Ninh được hoàn toàn giải phóng, thị xã Tây Ninh được tiếp quản hoàn toàn, Trung tâm Tòa Thánh được bảo vệ trọn vẹn.

Trong lúc lực lượng vũ trang tiến công giải phóng thị xã, công nhân, nhân viên các nhà máy điện, nhà máy nước, bệnh viện, bưu điện…đã bảo vệ tại chỗ toàn bộ máy móc và các tài sản khác. Nhờ đó, khi thị xã giải phóng, các cơ sở phục vụ sinh hoạt công cộng đều hoạt động bình thường. Đó cũng là một thắng lợi lớn của chiến dịch, là kết quả tốt đẹp của sự kết hợp giữa tiến công vũ trang và nổi dậy của quần chúng tại chỗ.


Mít tinh mừng chiến thắng 30.4.1975 tại sân vận động Tây Ninh. (Ảnh BTN)

Thành quả cách mạng to lớn đó do nhiều nhân tố tạo nên, trong đó quan trọng nhất là đường lối chính trị và đường lối quân sự sáng suốt, đúng đắn của Đảng, là lòng yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần hy sinh vô bờ bến của quần chúng nhân dân và lòng tin sắt đá vào Đảng, vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.

Thắng lợi của nhân dân Tây Ninh đã góp phần cùng nhân dân cả nước quét sạch quân xâm lược Mỹ ra khỏi bờ cõi, lật đổ ngụy quyền Sài Gòn, công cụ của chủ nghĩa thực hiện mới là đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới; kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Vượt qua khó khăn những ngày đầu giải phóng

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Tây Ninh là tỉnh căn cứ địa cách mạng của Xứ ủy, sau là Trung ương cục miền Nam, trở thành điểm đánh phá ác liệt của địch, có 60/73 xã trong toàn tỉnh bị tàn phá hoàn toàn. Sau giải phóng, số tài sản của địch ta tiếp quản không đáng kể, hầu như tiếp nhận một gia tài nghèo nàn và phức tạp.

Về đời sống quần chúng ở nông thôn, thị trấn, thị xã còn khó khăn như nạn thất nghiệp, nghèo đói trở thành vấn đề nghiêm trọng trong nhân dân.

Tây Ninh sau ngày giải phóng tuy còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng điều quan trọng cơ bản là phát triển được lực lượng chính trị, vũ trang, xây dựng bộ máy chính quyền cách mạng các cấp va ổn định được cuộc sống của nhân dân.

Sau thắng lợi 30-4-1975, từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, với sự chuẩn bị khẩn trương, Tỉnh ủy Tây Ninh đã lãnh đạo việc tiếp quản toàn bộ địa bàn mới giải phóng, thành lập các ủy ban quân quản từ tỉnh đến xã, thị trấn để nhanh chóng khôi phục và ổn định các mặt hoạt động, sinh hoạt của nhân dân, đập tan những âm mưu tuyên truyền xuyên tạc phá hoại của địch.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I (vòng 2) (từ ngày 19 đến 29-4-1977) đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng năm 1977-1980 và hai năm 1977-1978.

Nhiệm vụ chung từ năm 1977 đến 1980 là thực hiện triệt để đồng thời 3 cuộc cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của chính quyền chuyên chính vô sản. trên cơ sở khối liên minh công nông làm nền tảng vững chắc của chuyên chính vô sản, đấu tranh cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và quốc phòng, tạo một bước chuyển biến rõ rệt nhằm có tích lũy và từng bước cải thiện đời sống vật chất bước đầu của chủ nghĩa xã hội trong tỉnh làm cơ sở phát triển cho các kế hoạch tiếp theo, xây dựng Tây Ninh thành một tỉnh nông-lâm nghiệp toàn diện, có công nghiệp trung ương và công nghiệp địa phương kết hợp chặt, thống nhất và vững càng, có nền kinh tế kết hợp với quốc phòng vững mạnh, thực sự xứng đáng là tỉnh căn cứ địa đầu phía Tây bắc của thành phố Hồ Chí Minh giáo với Campuchia.

Trong đó, nổi lên các phong trào quần chúng tích cực tham gia lao động sản xuất, phong trào thủy lợi, phong trào bảo vệ trụ an, bảo vệ xóm làng; phong trào tình nguyện xây dựng kinh tế mới, phong trào xóa mù chữ trong nhân dân…Qua các phong trào quần chúng xuất hiện nhiều điển hình tốt, gương mẫu làm hạt nhân và động lực thúc đẩy phong trào phát triển. Từ đó, tạo điều kiện cho các đoàn thể quần chúng tăng cường củng cố tổ chức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới, đóng góp một phần quan trọng trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội của tỉnh.

Những năm 1977-1978, Đảng bộ và nhân dân Tây Ninh vượt qua khó khăn to lớn trong chiến đấu và lao động. Vết thương chiến tranh trong chống Mỹ chưa kịp hàn gắn, khi cả nước có hòa bình, vùng biên giới của tỉnh nay máu lại tiếp tục đổ, cuộc sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn vì thời tiết thiên nhiên không thuận lợi. Vượt lên trên tất cả, đồng bào các dân tộc trên mảnh đất Tây Ninh một lần nữa phát huy truyền thống đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tập trung lực lượng to lớn hàng vạn người ra biên giới, bất luận già trẻ gái, trai tận dụng mọi công cụ lao động vót chông, gánh đất, đắp lũy đào hào…xây dựng phòng tuyến, tạo nên sức mạnh to lớn của thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.

Tây Ninh những ngày đầu mới giải phóng, cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa-xã hội không có gì đáng kể, để xây dựng lại quê hương, hàng năm tỉnh dành khoảng 25-30% tổng ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội. Nổi bật nhất trong thời gian này là xây dựng công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng, một công trình thủy nông lớn nhất nước ta.

Từng bước phát triển địa phương

Trải qua nhiều giai đoạn nhằm từng bước đưa kinh tế tỉnh nhà phát triển, đến giai đoạn 2010-2015, tỉnh được nhận định là đã có sự phát triển đáng kể.

Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, nhiệm kỳ 2015-2020, đồng chí Lê Hồng Anh - nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng phát biểu ghi nhận, Đảng bộ, dân và quân tỉnh Tây Ninh đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, đã nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh tăng bình quân 10,5%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng hàng năm, nhất là trong khu vực dân doanh và khu vực đầu tư nước ngoài tăng cao; thu ngân sch nhà nước trên địa bàn tỉnh vượt chỉ tiêu được giao và một trong những những tỉnh có kim ngạch xuất khẩu tăng khá hàng năm. Công nghiệp phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Chương trình an sinh xã hội, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đạt kết quả tốt, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh cuối năm 2015 giảm còn 1,59%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.630 USD, cao hơn mức bình quân chung cả nước, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện.

Nghị quyết Đại hội cũng đánh giá rõ: nhiệm kỳ qua, (2010-2015) dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, song kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển và đạt những thành tựu quan trọng. Có 16/23 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt Nghị quyết. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng. Giá trị sản xuất các khu vực kinh tế tăng khá; sản xuất nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh sau suy giảm, thu hút nhiều dự án trong và ngoài nước tạo giá trị gia tăng cao; thị trường xuất khẩu từng bước mở rộng; bộ mặt nông thôn, đô thị có nhiều thay đổi; tập trung nguồn lực đầu tư kiến thiết thị xã Tây Ninh trở thành Thành phố trực thuộc tỉnh….

Sau Đại hội, với những chỉ tiêu chủ yếu được nêu ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh lại nỗ lực không ngừng, phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn, phấn đấu thực hiện hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu, với mục đích chính là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân tỉnh nhà.

Và năm 2019 được đánh giá là năm mà tỉnh đạt được sự phát triển vượt bậc nhất. Tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân, nêu rõ: Năm 2019, trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều yếu tố không thuận lợi, khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, rủi ro của thị trường tăng lên đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân tỉnh nhà. Song dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, điều hành quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh ngay những ngày đầu năm 2019, sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và nhân dân, kinh tế - xã hội năm 2019 của tỉnh tiếp tục có bước phát triển khá toàn diện, đạt nhiều thành tựu nổi bật, là dấu mốc quan trọng để năm 2020 phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.


Khung cảnh mây trắng bồng bềnh của Núi Bà

Trong đó đáng chú ý, kinh tế tiếp tục phát triển, nhất là lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ đã góp phần gia tăng chỉ số GRDP, đây cũng là năm có mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tăng so với kế hoạch đề ra (chiếm 42,7% so với GRDP; mức bình quân chung cả nước 33,8%). Công tác thu ngân sách từng bước được đổi mới, ổn định, nhiều năm liền số thu tăng liên tục và vượt chỉ tiêu Trung ương, Hội đồng nhân dân tỉnh giao, số thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2015 thu được 5.400 tỷ đồng thì đến năm 2019 ước đạt gần 9.400 tỷ đồng tăng 1,7 lần so với 2015 và 3 lần so với năm 2010, đã giúp cho địa phương có điều kiện thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh.

Doanh nghiệp tăng đáng kể (tăng 16,7% so với cùng kỳ về số doanh nghiệp; tăng 1,1 lần về vốn đăng ký), nhiều dự án được tăng vốn, tăng quy mô sản xuất là địa phương 5 năm liền trong top 10 tỉnh, thành phố thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất nước. Song song đó, thu hút được nhiều dự án thương mại, siêu thị góp phần thay đổi bộ mặt đô thị. Hệ thống siêu thị phủ khắp các huyện, thành phố như: Hệ thống Siêu thị CoopMart đến cuối năm 2019 này sẽ có 09  siêu thị (Phước Đông, Gò Dầu, Trảng Bàng, Thành phố, CoopMart SCA, Châu Thành, Tân Châu, Tân Biên, DMC); đã có 5 cửa hàng Vinmart; 35 cửa hàng Bách Hóa Xanh và nhiều cửa hàng tiện ích khác, hàng hóa đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân và bình ổn thị trường.


Quang cảnh phiên họp

Dự án cao tốc TP. HCM - Mộc Bài được Trung ương thống nhất giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban nhân dân Tây Ninh triển khai đầu tư và đang khẩn trương thực hiện các thủ tục để khởi công xây dựng; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án nâng cấp mở rộng các đường quan trọng như: đường tỉnh 782-784, Đất sét - Bến Củi, 793 để kết nối với tỉnh Bình Dương, khi các dự án này hoàn thành sẽ phát huy tốt nhất các tiềm năng lợi thế của tỉnh trong tương lai gần. Công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường đặc biệt quan tâm chỉ đạo quyết liệt.


Chăm lo tết cho hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cành khó khăn

Tỷ lệ hộ nghèo chung giảm 2,63% so với năm 2015 (năm 2016 giảm 0,14%; năm 2017 giảm 0,7%; năm 2018 giảm 0,94%; năm 2019, giảm 0,85%); Là một trong 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất nước (sau tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Đồng Nai, TP HCM). Người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,5% và tham gia bảo hiểm xã hội đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện tốt công tác này. Tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 42/80 xã, vượt kế hoạch đề ra. Quốc phòng, an ninh được tăng cường.

Gần đây nhất, trong quý 1 năm 2020, mặc dù kinh tế tỉnh nhà chịu tác động rất lớn của tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên thế giới và cả nước, nhưng kinh tế tỉnh nhà cũng đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Cụ thể: Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản: Ước thực hiện 6.156 tỷ đồng, đạt 23% so với kế hoạch, tăng 0,6% so với cùng kỳ (KH 2020: tăng 3%); đến ngày 11/3/2020 có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 34/71 xã. Giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 22.621 tỷ đồng, đạt 22,1% so với kế hoạch, tăng 12,5% so với cùng kỳ.

Giá trị sản xuất dịch vụ (giá so sánh 2010) ước thực hiện 7.248 tỷ đồng, đạt 22% so với kế hoạch, tăng 6% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 20.311 tỷ đồng, tăng 6,7% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 975,2 triệu USD, đạt 22% so với kế hoạch, tăng 38,7% so với cùng kỳ.

Đầu tư phát triển trên địa bàn ước thực hiện 6.582 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ, trong đó, khu vực nhà nước tăng 11,5%; khu vực dân doanh tăng 4,7% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,5% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 494 triệu USD, tăng 134% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 2.818,8 tỷ đồng, đạt 28,2% dự toán (dự toán 2020 là 10.000 tỷ đồng)…


Tây Ninh ngày nay

Những thành quả trên cho thấy, với truyền thống quê hương "Trung dũng, kiên cường", trong chiến tranh hay thời bình, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tây Ninh đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, cùng khắc phục những khó khăn, đưa Tây Ninh trở thành một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội trong vài năm trở lại đây.

Phấn khởi với những thành quả đạt được, hiện nay, cả hệ thống chính trị tỉnh nhà đang nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm và làm việc tại Tây Ninh hồi tháng 8/2018 vừa qua "tỉnh tiếp tục mở rộng các mô hình chế biến sâu và các mặt hàng sản xuất, dịch vụ khác; phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ này vào khoảng 2020, Tây Ninh sẽ cân đối được chi thường xuyên, không cần trợ cấp của Trung ương. Tây Ninh cần trở thành hình mẫu trung tâm sản xuất, chế biến nông sản chất lượng cao của cả nước, một hình mẫu đi lên, làm giàu từ nông nghiệp". Để từ đó, Tây Ninh có được nền tảng vững chắc bước vào giai đoạn phát triển mới sẽ được đề ra từ Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 tới đây.

XV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây