Tây Ninh: Nhiều hoạt động hiệu quả giúp phụ nữ phát triển kinh tế

Thứ tư - 23/08/2017 16:00 61 0
Trong những năm tháng chiến tranh, phụ nữ là những người mẹ, người vợ luôn xứng đáng với tám chữ vàng do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phong tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Ngày nay, trong thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước, người phụ nữ Việt Nam luôn hướng tới các phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” được chuyển biến bằng những việc làm cụ thể nhằm đem lại những hiệu quả thiết thực.

1497829438.jpg

Trao thẻ bảo hiểm y tế cho những hội viên phụ nữ nghèo trong buổi ra mắt mô hình “Hỗ trợ hội viên mua bảo hiểm y tế trả góp” xã Suối Đá (Ảnh Báo Tây Ninh Online)

Trong đó, có thể kể đến việc xây dựng các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế do các cấp hội phụ nữ trong tỉnh thực hiện thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực. Không chỉ giúp hội viên có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo, các mô hình còn giúp chị em ngày càng tự tin trong các lĩnh vực và khẳng định vị trí của mình trong xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm, Hội LHPN các cấp trong tỉnh tập trung đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giúp phụ nữ nghèo, các cấp Hội đã vận động 913 chị khá giúp 607 chị khó khăn số tiền gần 1,7 tỷ đồng; vận động trao tặng 22 con bò sinh sản cho phụ nữ nghèo; đã giới thiệu trên 2.500 lượt chị làm việc thời vụ, làm việc tại các công ty, khu, cụm công nghiệp; phối hợp các ngành mở 33 lớp dạy nghề chăn nuôi, trồng trọt với 1.517 học viên tham gia. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đã trợ vốn cho 22 chị khởi sự kinh doanh với số tiền 118,5 triệu đồng; phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn, Quỹ tín dụng nhân dân, Quỹ phụ nữ tiết kiệm xét cho 2.743 hội viên, phụ nữ nghèo vay với số tiền 87,2 tỷ đồng; vận động mạnh thường quân hỗ trợ vốn không tính lãi giúp hội viên, phụ nữ "Tổ phụ nữ liên kết đan giỏ bội" huyện Dương Minh Châu với số tiền 100 triệu đồng.

Thông qua thực hiện các mô hình "Tổ phụ nữ hỗ trợ hội viên mua BHYT", "Tổ phụ nữ góp vốn xoay vòng mua BHYT", vận động mạnh thường quân hỗ trợ thẻ BHYT cho hộ gia đình phụ nữ khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, các cấp hội đã vận động được 23.369 thẻ BHYT.

Mới đây, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phong trào Hội các cấp, nâng độ đồng đều phong trào giữa các địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về mô hình mới, cách làm hay tại Hội LHPN huyện Dương Minh Châu. Tham gia giao lưu, các chị đại diện Câu lạc bộ Phụ nữ trí thức huyện Dương Minh Châu đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình hoạt động có hiệu quả tại các chi hội khu phố 1, 2, 3  như "Hỗ trợ hội viên, phụ nữ khó khăn mua Bảo hiểm y tế", "Tổ phụ nữ hỗ trợ mua con giống", "Tiết kiệm hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn khởi nghiệp".

Nhờ được sự giúp đỡ về mặt vật chất và tinh thần của các cấp hội, nhiều chị em đã có cuộc sống ổn định hơn. Có thể kể đến một số chị em chị trong tổ liên kết sản xuất tráng bánh tráng xã Phước Đông, hầu hết các có cuộc sống ổn định nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, vốn vay xoay vòng. Đơn cử trường hợp chị Võ Thị Đông, ngụ ở tổ 11, ấp Cây Trắc. Gia đình chị Đông làm nghề tráng bánh tráng khoảng 20 năm nay. Trước đây do thiếu vốn, thường phải đi vay bên ngoài, với lãi suất cao. Tiền lời làm bánh không nhiều mà phải trả lãi vay, nên cuộc sống gia đình chị luôn gặp khó khăn thiếu thốn. Cách đây khoảng 6 năm, chị được Hội LHPN xã xem xét tạo điều kiện giúp đỡ vay vốn ưu đãi được 5 triệu đồng, theo hình thức trả dần tiền gốc và lãi (lãi suất 0,65%/tháng). Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi này, chị mua thêm đồ nghề, nguyên liệu tráng bánh. Từ đó chị sản xuất được nhiều bánh hơn, có thu nhập cao hơn, mà lại không phải trả tiền lãi vay bên ngoài cao như trước, nên cuộc sống gia đình chị dần dần ổn định. Trong 6 năm qua, gia đình chị Đông được vay vốn ưu đãi 3 vòng. Hiện nay mỗi ngày vợ chồng chị Đông (vợ ngồi tráng, chồng mang đi phơi) làm được 20 ràng bánh tráng (2.000 cái). Trừ chi phí gia đình chị còn lời được 200.000 đồng/ngày.

Hay như trường hợp của chị Nguyễn Thị Tâm (sinh năm 1967), ngụ tổ 3, ấp Cây Trắc, gia đình chị cũng sống bằng nghề làm bánh tráng từ hơn 20 năm nay. Trước kia gia đình chị cũng thiếu trước hụt sau. Có khi phải đi vay bên ngoài với lãi suất cao để mua vỉ, mua gạo làm bánh. Tiền lời làm ra phải trả tiền lãi vay nên chẳng còn được bao nhiêu. Vào năm 2008, gia đình chị được các cấp Hội LHPN xã xem xét tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi được 10 triệu đồng. Từ đó đến nay chị vay được 3 vòng. Nhờ có vốn vay ưu đãi, gia đình chị chấm dứt cảnh đi vay nặng lãi và cũng từ đó đến nay cuộc sống gia đình chị luôn ổn định. Hiện nay gia đình chị vẫn tiếp tục làm nghề tráng bánh tráng. Do vừa tráng bánh, vừa làm việc nhà và trông nom cháu nhỏ, nên mỗi ngày chị Tâm cũng tráng được từ 8 đến 10 ràng bánh, có thêm thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày.

Có thể nói, bằng nhiều việc làm cụ thể và mang tính nhân sinh sâu sắc, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã thể hiện được vai trò, sự năng động trong cách nghĩ và cách làm để giúp hội viên nghèo có thêm tinh thần, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra, không chỉ tích cực giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế; các hội viên còn tích cực trong tuyền truyền, giáo dục vận động thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách của Nhà nước; rèn luyện phẩm chất đạo đức; tích cực trong vận động phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, rèn luyện 4 phẩm chất người phụ nữ Việt Nam "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang". Vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội được nâng lên. Đó cũng là việc làm thiết thực góp phần xây dựng phẩm chất của phụ nữ trong thời kỳ mới.

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây