Sản xuất sản phẩm mây tre đan (Ảnh Huy Liệu).
Công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo XDNTM các cấp kịp thời, hiệu quả, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm. Các Ban, ngành, đoàn thể ngày càng chủ động trong công tác triển khai, xây dựng kế hoạch thực hiện. Các Sở, Ngành tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện thuộc trách nhiệm được giao, hỗ trợ kịp thời và cụ thể hóa trong điều kiện địa phương để cơ sở tổ chức thực hiện. Các nguồn lực xã hội cho XDNTM đã được huy động khá lớn, phù hợp chủ trương của Đảng và Nhà nước. Kết cấu hạ tầng thiết yếu ở nông thôn (giao thông, giáo dục, y tế,...) được tập trung đầu tư đã tạo bộ mặt nông thôn đổi mới; hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố; thu nhập, đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao.
Từ những nỗ lực nêu trên, năm 2015 có thêm 10 xã đã được Ban Chỉ đạo XDNTM tỉnh xét đề nghị UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Long Khánh, Long Phước (huyện Bến Cầu), An Hòa (huyện Trảng Bàng), Tân Lập (huyện Tân Biên), Long Thành Bắc (huyện Hòa Thành), Phước Đông (huyện Gò Dầu), Chà Là (huyện Dương Minh Châu), Thạnh Đông (huyện Tân Châu), An Bình, Thanh Điền (huyện Châu Thành); nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh lên 16 xã (20% số xã). Bình quân mỗi xã của tỉnh đạt 12,5 tiêu chí, tăng 1,5 tiêu chí so với năm 2014.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn những khó khăn, tồn tại như: Việc chuyển dịch kinh tế - xã hội nông thôn không nhiều; nhu cầu vốn XDNTM của các xã rất lớn, vượt quá khả năng của ngân sách nhưng chưa phát huy tốt nội lực của địa phương và huy động nguồn lực trong nhân dân. Chưa thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; một số địa phương chỉ tập trung vào đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội nhưng chưa chú trọng thực hiện các hoạt động kinh tế - xã hội nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân cư nông thôn. Các lĩnh vực y tế, giáo dục mặc dù có cải thiện, được quan tâm đầu tư nhưng hiệu quả chưa như mong muốn; cơ sở vật chất văn hoá và tổ chức, hoạt động còn nhiều mặt cần khắc phục, chất lượng hoạt động của ấp văn hoá chưa cao ảnh hưởng đến phong trào thi đua XDNTM ở cơ sở; cảnh quan môi trường ở các xã chậm chuyển biến.
Năm 2016, tỉnh giữ vững 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015. Đến cuối năm 2016, tỉnh phấn đấu có thêm 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 22 xã (27,5% số xã của tỉnh), gồm các xã: Tân Phong (huyện Tân Biên), Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu), Long Thành Nam (huyện Hòa Thành), Bàu Đồn (huyện Gò Dầu), Long Thuận (huyện Bến Cầu) và Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng). Số tiêu chí đạt được bình quân/xã 13,5 tiêu chí. Các xã còn lại tăng thêm từ 1-3 tiêu chí.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh đưa ra một số nhiệm vụ cần triển khai thực hiện trong thời gian tới như đổi mới triển khai chương trình; tăng cường sự tham gia của người dân; thực hiện tốt phương châm "dân cần, dân biết, dân bàn, dân góp, dân làm, dân kiểm tra quản lý và hưởng thụ". Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức người dân bằng nhiều hình thức phù hợp; huy động tối đa nguồn lực của xã hội trong XDNTM, tránh phụ thuộc nhiều vào ngân sách, đảm bảo cơ cấu vốn. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đề án Xây dựng xã NTM phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện và khả năng bố trí, huy động nguồn lực của địa phương. Tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên địa bàn từng xã gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp quy hoạch XDNTM, quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chú trọng phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu cấp xã gắn với phát triển sản xuất, đời sống hàng ngày của người dân; triển khai nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; thường xuyên tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp của xã NTM và các xã khác trên địa bàn huyện, thành phố.
Rà soát, điều chỉnh cơ chế đầu tư từ ngân sách cho phát triển hạ tầng - kinh tế xã hội xã NTM phù hợp điều kiện từng địa phương; ban hành các chính sách về huy động nguồn lực, tăng cường phân cấp cho cấp xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình.
Minh Đài