Tây Ninh: Phát động chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết

Thứ năm - 19/11/2015 11:00 41 0
Chiến dịch được phát động nhằm kêu gọi người dân tăng cường ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh và ngăn chặn bệnh SXH ở nơi cư trú, góp phần hạn chế sự lây lan của dịch.

Sáng 18.11, tại Trung tâm Văn hoá tỉnh, Sở Y tế Tây Ninh tổ chức lễ mít tinh, diễu hành và phát động chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết năm 2015.

Tham dự lễ phát động có BS.Nguyễn Văn Cường- Phó giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh của tỉnh cùng gần 300 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành và cán bộ, hội viên, đoàn viên, thanh niên, học sinh trong tỉnh.

BS.Nguyễn Văn Cường- Phó Giám đốc Sở Y tế phát động chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống SXH.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh, BS.Nguyễn Văn Cường đề nghị các địa phương, các cơ quan, trường học, ban ngành, đoàn thể cùng tích cực tham gia phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy ở nơi cư trú; đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông để mỗi người dân, mỗi thành viên trong hộ gia đình có trách nhiệm cùng chung tay tham gia phòng, chống bệnh SXH…

Đại diện ngành Giáo dục Tây Ninh, bà Mai Thị Lệ- Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo đã phát biểu hưởng ứng chiến dịch, và cho biết, ngành Giáo dục cam kết phối hợp cùng y tế trong công tác truyền thông, vận động học sinh, sinh viên nâng cao ý thức giữ gìn vệ môi trường; thường xuyên dọn dẹp các vật dụng phế thải xung quanh nhà, phát quang bụi rậm xung quanh khu vực ở, lật nắp đậy vật dụng chứa nước để muỗi không có nơi trú ẩn…

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, số mắc SXH cộng dồn đến tuần 42 (tức đến ngày 18.10.2015) là 867 ca, tăng 19,92% so với cùng kỳ năm 2014 (723 ca). Hầu hết 8 huyện và thành phố đều ghi nhận có ca mắc SXH, trong đó Tân Châu là địa phương có số ca SXH cao nhất tỉnh.

Theo nhận định, bệnh SXH hiện vẫn diễn biến phức tạp và đáng lo ngại.

Cán bộ y tế giám sát côn trùng tại hộ gia đình ở phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh.

Hiện nay, SXH vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp dự phòng vẫn được coi là những biện pháp chính có hiệu quả trong cuộc chiến chống SXH; trong đó quan trọng nhất là phải ngăn ngừa được các loại muỗi truyền vi-rút SXH.

Để làm được điều này phải loại trừ được môi trường nơi muỗi đẻ trứng và nơi lăng quăng phát triển mạnh trước khi chúng trưởng thành.

 

Theo BTNO


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
EMC Đã kết nối EMC