Tây Ninh sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”

Thứ ba - 18/09/2012 00:00 148 0
Để thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh đã đề ra Chương trình hành động số 20-CTr/TU ngày 15/12/2007 nhằm thực hiện Nghị quyết số11-NQ/TW về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Sau 5 năm triển khai, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tổ chức sơ kết đánh giá kết quả đạt được và chưa được để tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác phụ nữ trong thời gian tới.

 

Qua đó cho biết, từ năm 2007 đến 2012, các cấp uỷ đảng trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo chính quyền thành lập Ban vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp, tạo điều kiện để cán bộ nữ, phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội, chăm lo xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc; luôn lựa chọn để nêu gương điển hình tiên tiến phụ nữ tài năng thời kỳ đổi mới, nhằm khẳng định vai trò của phụ nữ đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tỉnh triển khai Luật phòng chống bạo lực gia đình cho hơn 172.000 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ; mở các lớp tập huấn về bình đẳng giới, một số vấn đề về giới cho 1.769 lượt cán bộ Hội và thành viên Ban vì sự tiến bộ phụ nữ các huyện, thị xã,…

Đồng thời, các chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển phụ nữ đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh lồng ghép vào việc xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; chỉ đạo tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục về giới và chính sách pháp luật về bình đẳng giới cho nhân dân. Tại Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND ngày 15/01/2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về chính sách đào tạo và thu hút nhân tài, có quy định đối với cán bộ nữ là công chức cấp xã được đào tạo trung cấp, đại học chuyên môn nghiệp vụ trong và ngoài tỉnh được hỗ trợ thêm 30% mức lương tối thiểu/người/tháng. Hằng năm, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tổ chức dạy nghề cho phụ nữ, tiếp cận thông tin và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, tạo điều kiện khuyến khích hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đến nay đã có 5.700 lượt phụ nữ được dạy nghề. Số lượng phụ nữ là giám đốc, chủ doanh nghiệp, chủ trang trại kinh doanh có hiệu quả ngày càng tăng (năm 2007 có 56 chủ doanh nghiệp là nữ/tổng số 638 doanh nghiệp, tỷ lệ 8,8%; năm 2012 có 229 chủ doanh nghiệp là nữ/tổng số 1.647 doanh nghiệp, tỷ lệ đạt 13,9%). Và có điều đáng trân trọng là năm 2012 trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 01 “Câu lạc bộ phụ nữ từ thiện” góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội của tỉnh, đem lại niềm vui cho nhiều cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, “Gia đình không có tội phạm và tệ nạn xã hội” được tiếp tục thực hiện tốt. Mô hình học tập và làm theo gương Bác như “Góp xi măng xây nhà”, “Tiết kiệm điện”, “Hũ gạo tình thương”…được duy trì và nhân rộng.

Từ khi có Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo ở một số lĩnh vực có tăng lên. Tính đến tháng 7/2012, tổng số cán bộ nữ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh là 19.301 người, trong đó cán bộ nữ có 11.262 người, tỷ lệ 58,35%. Tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ nhiệm kỳ 2010-2015: cấp tỉnh 12,73%; cấp huyện 13,39%; cấp xã 22,33%. Tỷ lệ nữ là đại biểu hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016: cấp tỉnh 27,45%; cấp huyện 22,77%; cấp xã 22,35%. Tỷ lệ nữ đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong uỷ ban nhân dân: cấp tỉnh 25%; cấp huyện 10%; cấp xã 15,61%. Cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý là nữ có 49/335 người, tỷ lệ 14,63%. Đồng thời, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp được xây dựng, củng cố vững mạnh, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ.

Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng nhìn nhận một số cấp uỷ, địa phương, đơn vị chậm cụ thể hoá các văn bản về công tác cán bộ nữ. Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng là phụ nữ có nơi chưa kịp thời. Số lượng cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan đảng, nhà nước tỷ lệ còn thấp. Công tác củng cố tổ chức hội liên hiệp phụ nữ, phát triển hội viên ở một số cơ sở chưa đạt yêu cầu, nội dung và phương thức hoạt động có nơi chưa thực sự đổi mới, chưa thu hút hội viên tích cực tham gia các phong trào. Nguyên nhân là do một số cấp uỷ, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt cán bộ nữ đôi lúc chưa kịp thời, thiếu kiên quyết; trình độ năng lực của cán bộ nữ ở một số nơi còn hạn chế, nhất là ở cơ sở. Từ những mặt được và chưa được, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã rút ra một số kinh nghiệm như: đẩy mạnh việc quán triệt Nghị quyết trong các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các ban, ngành; định kỳ sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ nữ, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ nữ tự khẳng định mình,…

Tiếp theo Tỉnh uỷ đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác phụ nữ thời gian tới, trong đó phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp uỷ đảng các cấp từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%; đẩy mạnh giải pháp xoá bỏ định kiến về giới, đổi mới cách nghĩ, cách làm, thường xuyên rà soát, phát hiện, tạo cơ hội để phụ nữ phát huy năng lực, sở trường công tác, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

T.B

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây