Tây Ninh: Sự tham gia hoạt động chính trị các cấp của phụ nữ tỉnh ngày càng tăng

Thứ tư - 01/07/2015 09:00 49 0
Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá, việc triển khai thực hiện các vấn đề liên quan tới công tác bình đẳng giới đã được lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện lồng ghép vào từng hoạt động của cơ quan, đơn vị. Từ đó, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn tỉnh.

Công tác phối hợp liên ngành thực hiện Chiến lược, Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2015 bước đầu đã đạt được những hiệu quả nhất định, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi một số chỉ tiêu của Kế hoạch hành động về bình đẳng giới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2015 được triển khai với 4 dự án: Dự án Truyền thông, nâng cao nhận thức thay đổi hành vi về bình đẳng giới; Dự án Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về Bình đẳng giới; Dự án nâng cao năng lực cho nữ đại biểu HĐND, nữ cán bộ quản lý, nữ lãnh đạo các cấp, nữ ứng cử HĐND các cấp, nữ cán bộ thuộc diện quy hoạch và Dự án Hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực vùng, địa phương có nguy cơ cao bất bình đẳng giới. Với tổng kinh phí là 3,24 tỷ đồng, trong đó (Trung ương: 1,3 tỷ đồng, địa phương: 1,94 tỷ đồng).

Đối với bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị: Số cán bộ nữ ngày càng được quan tâm đưa vào quy hoạch nhân sự bầu cử vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy giai đoạn 2015-2020, HÐND, UBND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, cụ thể như sau: Quy hoạch Ban Thường vụ Tỉnh uỷ: 4 nữ/26 đồng chí, chiếm 15,38%. Quy hoạch Ủy viên Ban chấp hành: 27 nữ/89 đồng chí, chiếm 30,34%. Ban Thường vụ cấp huyện: 48 nữ/154 đồng chí, chiếm 31,16%; cấp xã 95 nữ/408 đồng chí, chiếm 23,28%.

Quy hoạch lãnh đạo tham gia quản lý (Chủ tịch và Phó chủ tịch) cấp tỉnh là 03 nữ/7 đồng chí, chiếm 42,86%; cấp huyện là 26 nữ/96 đồng chí, chiếm 27,08%; cấp xã là 137 nữ/440 đồng chí, chiếm 31,13%; Quy hoạch cán bộ nữ lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan cấp tỉnh: Giám đốc và tương đương là 13 nữ/69 đồng chí, chiếm 18,84%; Phó Giám đốc và tương đương là 80 nữ/212 đồng chí, chiếm 37,74%.

Trưởng phòng cấp Sở và tương đương 86 nữ/252 đồng chí, chiếm 34,12%; Phó trưởng phòng cấp Sở và tương đương 145 nữ/353 đồng chí, chiếm 41,08%; cấp huyện như trưởng phòng và tương đương là 176 nữ/517 đồng chí, chiếm 34,04%; phó trưởng phòng và tương đương là 309 nữ/699 đồng chí, chiếm 44,20%.

Với Mục tiêu "Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách trong lĩnh vực chính trị" gồm có các chỉ tiêu: Chỉ tiêu 1: Phấn đấu đạt tỉ lệ nữ tham gia các cấp uỷ Đảng thuộc nhiệm kỳ 2016 - 2020 từ 15% trở lên;  tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020 trên 35%; Chỉ tiêu 2: Phấn đấu đến năm 2015 đạt 50% cơ quan của Đảng, Nhà nước, Tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ là 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Giai đoạn 2011-2015, kết quả triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, sự tham gia hoạt động chính trị các cấp của phụ nữ tỉnh ngày càng tăng, cụ thể: Chỉ tiêu 1: Số lượng cán bộ nữ tham gia cấp ủy ngày càng tăng như cấp tỉnh là 9/68 đạt tỷ lệ 13,23%; cấp huyện là 87/527 đạt tỷ lệ 16,50%; cấp xã là 328/1.666 đạt tỷ lệ 19,68% (Đạt so với kế hoạch). Số lượng cán bộ nữ tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 13/49, đạt tỷ lệ 26,53%; HĐND cấp huyện là 75/297 đạt tỷ lệ 25,25%. HĐND cấp xã là 641/2548, đạt tỷ lệ 25,15 % (Chưa đạt so với kế hoạch đề ra).

Chỉ tiêu 2: Cán bộ nữ lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan cấp tỉnh như Giám đốc và tương đương là 4/46 đạt tỷ lệ 8,70%; Phó Giám đốc và tương đương là 25/119 đạt tỷ lệ 21 %, trưởng phòng cấp sở và tương đương là 55/221 đạt tỷ lệ 24,87% và phó trưởng phòng cấp sở là 90/286 đạt tỷ lệ 31,47% (Đạt so với kế hoạch).

Ngoài ra, bình đẳng giới còn được thực hiện trong lĩnh vực: Kinh tế lao động, gia đình, văn hóa, thông tin, hoạt động giáo dục đào tạo, hoạt động chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng nhìn nhận sự phối hợp của các Sở, ngành trong công tác bình đẳng giới đôi lúc chưa được thường xuyên, chưa cụ thể nên hiệu quả chưa cao. Các địa phương đều xây dựng kế hoạch, chương trình Quốc gia về Bình đẳng giới nhưng còn chung chung, thiếu cụ thể và không chủ động bố trí kinh phí thực hiện; hoạt động kiểm tra, giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật về công tác bình đẳng giới tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, tại một số địa phương còn xảy ra nhiều vụ việc vi phạm quyền của phụ nữ như bạo lực gia đình, bị xúc phạm danh dự, uy tín...

Điều 26  Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt; Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.

Hoàng Mai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây