Việc tổ chức cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng |
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ ngân sách Trung ương như hỗ trợ cho trẻ dưới 6 tuổi, người nghèo, dân tộc thiểu số (100% mệnh giá mua thẻ BHYT), người thuộc hộ cận nghèo (50%, từ năm 2012 tăng lên 70%), học sinh – sinh viên (30%), từ quý IV năm 2011, đối với những người thuộc hộ cận nghèo, tỉnh Tây Ninh chi ngân sách hỗ trợ 50% còn lại của mệnh giá thẻ BHYT, sang năm 2012, hỗ trợ 30% còn lại. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 9 tỷ đồng. Như vậy, hầu hết những người thuộc diện này đã được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua và cấp thẻ BHYT. Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ 2/3 mức phí đóng BHYT cho các đối tượng là dân quân thường trực, Chỉ huy phó Ban CHQS cấp xã, ấp.
Việc tổ chức cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng, ngành Y tế từng bước kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở, các trạm y tế xã được nâng cấp, đầu tư xây mới trụ sở, bổ sung trang thiết bị y tế; người bệnh được cung cấp thuốc, sử dụng các dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế, quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT của người dân ngày càng được bảo đảm.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật BHYT cũng còn những tồn tại, bất cập dẫn đến tình trạng Quỹ BHYT nhiều năm mất cân đối; thái độ phục vụ của một số cán bộ y tế và thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh BHYT còn gây bức xúc cho người bệnh; chất lượng khám, chữa bệnh BHYT chưa tạo được lòng tin cho người bệnh; năng lực và trách nhiệm của một số cán bộ giám định y tế chưa đáp ứng yêu cầu. Cũng theo UBND tỉnh, đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có 401 đơn vị nợ BHYT với số tiền 4,2 tỷ đồng, trong đó có 38 đơn vị nợ trên 6 tháng với số tiền 1,15 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu là do một số địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động thực hiện chính sách BHYT chưa được tổ chức thường xuyên; việc khám, chữa bệnh BHYT còn nhiều phiền hà, quá tải; sự phối hợp liên ngành Y tế - BHXH – Tài chính – LĐ-TB&XH và GD&ĐT trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHYT còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.
Theo BTNO
Ý kiến bạn đọc