Tây Ninh tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phòng, chống ngộ độc thực phẩm

Thứ năm - 18/09/2014 00:00 73 0
Trong thời gian qua tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày càng phức tạp. Trong năm 2013, toàn tỉnh đã xảy ra 08 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số người mắc là 125 người. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2014 đã xảy ra 04 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số người mắc là 229 người. Đặc biệt trong những ngày đầu tháng 9 liên tiếp xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm tại 2 huyện Gò Dầu và Trảng Bàng, trong đó có 02 vụ xảy ra tại bếp ăn tập thể của Công ty TNHH E land Việt Nam thuộc Khu Công nghiệp huyện Trảng Bàng.

 

 

Nguyên nhân vụ ngộ độc do cơ sở cung cấp suất ăn phục vụ đám tiệc không bảo đảm vệ sinh, hoạt động cung cấp suất ăn cho công nhân khi chưa đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại một số địa bàn còn hạn chế; nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm (ATTP) chưa đầy đủ.

Nhằm giảm thiểu tối đa các trường hợp ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh ban hành công chỉ số 2250/UBND-VX chỉ đạo các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:

Tăng cường công tác tuyên truyền về thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm rộng rãi đến cán bộ, công chức và nhân dân nhằm đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện theo đúng quy định, đạt hiệu quả, hạn chế thấp nhất trường hợp ngộ độc thực phẩm.

Thường xuyên kiểm tra thực hiện các quy định pháp luật về VSATTP; đôn đốc các Sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện có hiệu quả các hoạt động bảo đảm vệ sinh ATTP. Tổ chức các Đoàn kiểm tra VSATTP trọng tâm là các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Cụm Công nghiệp, trường học…

Xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông, lâm sản, thủy sản an toàn; Tổ chức tập huấn, tuyên truyền các quy trình, quy phạm bảo đảm ATTP cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thực phẩm.

Giám sát, đánh giá hóa chất tồn dư độc hại trong nông, lâm sản, thủy sản thực phẩm trước khi thu hoạch, sơ chế, bảo quản ở các vùng sản xuất, kinh doanh và trên thị trường tiêu thụ. Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc từ gia súc, gia cầm và vệ sinh thú y trên địa bàn tỉnh.

Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y theo quy định nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y không đúng chủng loại, liều lượng, thời gian cách ly, bảo đảm không ảnh hưởng đến sức khỏe cho người tiêu dùng sản phẩm.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định nhãn hàng hóa, hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, gian lận thương mại trên thị trường.

Lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các ngành chức năng và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm tra giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động, sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm không đủ điều kiện nhưng vẫn sản xuất, kinh doanh và lưu thông sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng theo đúng quy định của pháp luật.

 Các trường học xây dựng và nâng cấp các bếp ăn tập thể bảo đảm ATTP, chấp hành và thực hiện đầy đủ các điều kiện về Vệ sinh ATTP theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tại trường học. Tất cả các bếp ăn tập thể của các trường học phải bảo đảm ATTP và phải được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP của ngành y tế.

Các lực lượng Hải quan, Công an, Y tế và các ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh hàng hóa, đặc biệt là việc nhập lậu hàng thực phẩm qua biên giới vào nội địa. Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và thực hành về ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm cho cán bộ và chiến sỹ và đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Triển khai công tác vận động, giáo dục, đẩy mạnh phát động các phong trào bảo đảm ATTP gắn với cuộc vận động xây dựng khu phố văn hóa, xã văn hóa,… nhằm khuyến khích hình thành hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trong cộng đồng.

Ngành Y tế tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến kiến thức ATTP cho các hội viên, đoàn viên và nhân dân để phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm, trong đó chú ý đối tượng là các hộ kinh doanh, sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.

Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh  tăng thời lượng tuyên truyền, kịp thời thông tin các hoạt động về ATTP trên các phương tiện thông tin địa chúng; chỉ đạo Đài Truyền thanh các huyện, thành phố dành nhiều thời lượng phát sóng để công tác truyền thông, giáo dục người dân về kiến thức an toàn thực phẩm, cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm như ăn chín uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không mua bán, sử dụng thực phẩm không biết rõ nguồn gốc… Hướng dẫn sử dụng các thực phẩm an toàn (thực phẩm được công bố tiêu chuẩn sản phẩm, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng).

K.Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây