Tây Ninh tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh

Thứ ba - 23/01/2018 09:00 131 0
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm đáng kể, bữa ăn của người dân được bảo đảm hơn về số lượng và chất lượng. Việt Nam đã thực hiện thành công Mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi ở trẻ em sớm hơn dự định.

​Tại Tây Ninh, theo kết quả điều tra năm 2016, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 11,8%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi còn 22,4% vẫn còn ở mức cao so với các tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam bộ.

Để thực hiện được các chỉ tiêu về dinh dưỡng của Thủ tướng Chính phủ về việc  tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới, Ngày 22/01/2018, UBND tỉnh ban hành công văn yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về dinh dưỡng theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó tập trung phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, nhóm đối tượng đặc thù, sử dụng nguồn thực phẩm tại địa phương và phù hợp với khẩu vị theo vùng, miền; tập trung giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì, dinh dưỡng để dự phòng và điều trị tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, các bệnh không lây nhiễm khác và dinh dưỡng cho người cao tuổi.

Đồng thời, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 226/QĐ-TTg ngày 22/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng cho giai đoạn tiếp theo và các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan nhằm giải quyết được các vấn đề dinh dưỡng trong tình hình mới và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc mà Việt Nam đã cam kết.

Tăng cường công tác tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế và cán bộ thực hiện công tác dinh dưỡng tại cơ sở. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực phù hợp với từng độ tuổi, nhóm đối tượng.

Đẩy mạnh chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học và dinh dưỡng trong bữa ăn gia đình nhằm sớm chấm dứt các thể suy dinh dưỡng, tăng cường phòng, chống các rối loạn chuyển hóa, các yếu tố nguy cơ sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng. Lồng ghép hoạt động vận động thể lực và đảm bảo dinh dưỡng hợp lý với phong trào quần chúng và hoạt động thể thao, văn hóa tại cộng đồng; Tuyên truyền về lợi ích của hoạt động thể dục thể thao quần chúng đối với sức khỏe, hạn chế quảng cáo các sản phẩm dinh dưỡng không có lợi cho sức khỏe theo quy định.

Hướng dẫn về dinh dưỡng và vận động thể lực phù hợp cho trẻ em, học sinh, đặc biệt là cho nhóm tuổi tiền dậy thì và dậy thì. Tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, triển khai chương trình sữa học đường, tăng cường vận động thể lực cho trẻ em, học sinh; không quảng cáo và kinh doanh đồ uống có cồn, nước ngọt có ga và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học.

Xây dựng chương trình giáo dục dinh dưỡng và học đường cho học sinh từ hệ mầm non đến tiểu học (tăng cường tổ chức bữa ăn, sữa học đường cho trẻ mầm non và tiểu học; xây dựng mô hình dinh dưỡng trường học). Từng bước đưa nội dung giáo dục dinh dưỡng vào giáo trình giảng dạy ở các cấp học.

GH

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây