Chất lượng nước trên sông Vàm Cỏ Đông bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng có xu hướng tăng dần về phía hạ nguồn, đặc biệt là ô nhiễm chất hữu cơ. Bên cạnh đó, chất lượng nước trên hồ Dầu Tiếng, sông Sài Gòn (đoạn từ đập Dầu Tiếng đến Trảng Bàng) và chất lượng nước các kênh rạch chính như rạch Rễ, rạch Trưởng Chừa, rạch Tây Ninh cũng có dấu hiệu ô nhiễm nhẹ chất hữu cơ.
Bênh cạnh đó, lượng nước thải sinh hoạt xả ra các sông, rạch thuộc tỉnh Tây Ninh là rất lớn và ngày càng cao, nhất là các khu đô thị như Thành phố Tây Ninh và các thị trấn. Đa số các nguồn nước thải sinh hoạt thải ra môi trường đều chưa qua xử lý nên có chứa nhiều các chất hữu cơ, chất rắn lơ lửng và mang nhiều vi khuẩn gây bệnh làm ô nhiễm nguồn nước.
Ngoài ra, chất thải là một trong những nguy cơ lớn đối với môi trường của tỉnh Tây Ninh hiện nay. Theo Đồ án quy họach chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2406/QĐ-UBND ngày 21/11/2013, đã đánh giá và dự báo đến 2015, khối lượng chất thải rắn sinh họat phát sinh là 853,48 tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp phát sinh là 550 tấn/ngày.
Cùng với đó, môi trường nước ở nhiều nhà máy, khu công nghiệp ngày càng bị ô nhiễm bởi nước thải, khí thải và chất thải rắn. Đặc biệt, các cơ sở ngoài KCN thuộc các ngành chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và các cơ sở y tế do không thực hiện tốt việc xử lý chất thải đã gây ô nhễm môi trường nghiêm trọng.
Bảo vệ môi trường sinh thái hiện nay là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và của mọi công dân. Để ngăn chặn, khắc phục và xử lí có hiệu quả những hành vi gây ô nhiễm môi trường, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả đánh giá môi trường, chiến lược và đánh giá tác động môi trường, đảm bảo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường tư khâu lập, phê duyệt, triển khai thực hiện. Cấm nhập khẩu và sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tiêu tốn nguyên liệu, tài nguyên, hiệu quả thấp khi triển khai các dự án đầu tư mới.
Thực hiện cơ chế quản lý về bảo vệ môi trường theo từng loại hình và mức độ tác động đến môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường đặc biệt là ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản, các làng nghề, lưu vực sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông. Kiểm soát chất lượng không khí ở khu vực thành phố Tây Ninh và các thị trấn có mật động dân cư cao. Kiểm soát ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp (dư lượng, đốt rơm rạ, xả thải bao bì chứa chất thuốc bảo vệ thực vật...) làm ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe và đời sống nhân dân.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ nhằm ngăn chặn việc đưa công nghệ lạc hậu, máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên vật liệu không đảm bảo yêu cầu về môi trường từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án đầu tư xử lý nước thải, nhất là nước thải có chứa kim loại nặng, nước thải y tế, nước thải công nghiệp, nước thải chế biến khoa mì, cao su, chế biến thủy sản, nước thải sinh hoạt đô thị đảm bảo tiêu chuẩn, kỹ thuật quốc gia về môi trường quy định. Tập trung xử lý chất thải rắn, quản lý chất thải nguy hại. Thúc đẩy tái sử dụng, tái chế và sản xuất, thu hồi năng lượng từ chất thải.
Phát triển ngành kinh tế môi trường trên cơ sở ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ vảo vệ môi trường và tái chế chất thải. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân, hạn chế tác động do ô nhiễm môi trường đến sức khỏe của nhân dân.
Trong đó, cần quan tâm cải thiện chất lượng môi trường sống, cung cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường cho người dân, đặc biệt là cá đô thị, khu, cụm công nghiệp, làng nghề, khu vực nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn.
Đánh giá đầy đủ thiệt hại do ô nhiễm môi trường và xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân gây ra. Tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; áp dụng chế tài mạnh, xử lý nghiêm khắc, buộc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất theo theo quy định của pháp luật.
Chú trọng cải tạo những kênh, mương, đoạn sông, suối bị ô nhiễm nặng, trước hết ở khu vực đầu nguồn, trong các đô thị, khu dân cư. Tập trung nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường lưu vực sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phục hồi môi trường sau khai thác, khoáng sản, bảo đảm cảnh quan môi trường và an toàn cho nhân dân.
Chú trọng cải thiện chất lượng không khí, cây xanh, không gian vui chơi, giải trí trong các đô thị, khu dân cư.
MN