Tây Ninh: Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Thứ tư - 04/11/2015 15:00 41 0
Qua gần hai năm (2014-2015), tỉnh Tây Ninh đã triển khai kế hoạch thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.

miame.jpg

Ảnh minh họa

Đến năm 2015, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 30% cơ cấu tổng sản phẩm của tỉnh. Sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục được duy trì tăng trưởng ổn định, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng bình quân 5,5%/năm giai đoạn 2011-2015, chất lượng sản xuất hàng hóa từng bước được nâng lên. Giá trị sản xuất ước năm 2015 đạt 26.099 tỷ đồng, tăng 11,4% so với năm 2013, trong đó: Nông nghiệp 25.316 tỷ đồng, tăng 11,3%, lâm nghiệp 378 tỷ đồng, tăng 1,2%, thuỷ sản 405 tỷ đồng, tăng 33,5%. Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao, thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 29,7 triệu đồng/người năm 2014, tăng 21,7% so với năm 2012 (24,4 triệu đồng). Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải thiện nhanh.

Công tác chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng khai thác lợi thế của từng vùng, sản xuất gắn thị trường tiêu thụ được thực hiện ngày càng tốt hơn, khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông nghiệp từng bước đươc nâng cao. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản.

Công tác ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chọn giống mới có năng suất, chất lượng cao được quan tâm. Một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao, bước đầu phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao. Một số chính sách hỗ trợ (mía trồng mới, lúa giống,...) đã được xây dựng, triển khai thực hiện. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản ổn định, an toàn dịch bệnh được đảm bảo. Thu hút đầu tư nông nghiệp được chú trọng, bước đầu thu hút vốn, công nghệ và tạo sản phẩm, góp phần phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Chương trình xây dựng Nông thôn mới đã được tập trung triển khai đồng bộ với các giải pháp, phù hợp với nguồn lực đầu tư, có trọng tâm, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đề ra, Chương trình đã được người dân tích cực hưởng ứng, đạt nhiều kết quả cụ thể; cơ sở hạ tầng thủy lợi, nông thôn được quan tâm đầu tư; các đề án, dự án và các chính sách trên các lĩnh vực phát triển nông nghiệp được chú trọng xây dựng và triển khai phục vụ đề án Tái cơ cấu. Đầu tư công tiếp tục được tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, việc triển khai thi công dự án, công trình theo kế hoạch.

Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện Tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vẫn còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc.Chuyển dịch cơ cấu sản xuất còn tự phát, chưa bền vững, một số sản phẩm không theo định hướng, quy hoạch (như cao su tăng, mì tăng, mía giảm; chăn nuôi chủ yếu theo số lượng, tăng trưởng theo chiều rộng); chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế; một số sản phẩm chất lượng còn thấp, chưa đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nguyên liệu công nghiệp chế biến, giá thành còn cao; một số sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực (mía, chăn nuôi heo, gà,...) sức cạnh tranh đang ở mức thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định; khâu liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ còn nhiều hạn chế, gây khó khăn cho sản xuất, nông dân chưa an tâm khi tham gia mô hình; tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp một số cây trồng, vật nuôi còn thấp; chưa tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị nên một số sản phẩm có lợi thế chưa được phát triển vững chắc, bền vững. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tuy dược chú trọng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Áp dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật chưa được mở rộng, chưa toàn diện.

Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chưa đồng bộ, chậm và lúng túng. Kết quả đã đạt được nêu trên chỉ là bước đầu so với mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đề ra. Cụ thể: Trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành trồng trọt là ngành chủ lực, chiếm trên 85% giá trị với các nông sản thế mạnh cao su, mì, mía, lúa, một phần nhỏ rau quả các loại, chăn nuôi, thủy sản khoảng 15%, song thực tế thời gian qua trong sản xuất mía, lúa còn bấp bênh, hiệu quả thấp, cao su gặp nhiều khó khăn, giá cả, diện tích liên tục giảm; chăn nuôi còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong nông nghiệp (12,76%), hiệu quả còn thấp, quy mô nhỏ, thiếu an toàn sinh học,... (chủ yếu chăn nuôi heo, gia cầm, bò sữa); nguy cơ tiềm ẩn xảy ra dịch bệnh cao.

Trong hoạt động chế biến nông sản vẫn còn cơ sở chưa thực hiện tốt việc xử lý chất thải, còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở một số địa phương. Phần lớn cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản còn manh mún. Việc sử dụng chất cấm, thuốc tăng trưởng, kháng sinh, phụ gia, chất bảo quản vào quá trình chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm có xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể chưa cao nên nông dân chưa thấy được lợi ích của việc làm ăn hợp tác; mặt khác nông dân vẫn còn mang tư duy, tập quán sản xuất cá thể, thiếu tính liên kết.

Công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch nông nghiệp (cây trồng, vật nuôi), thủy lợi gắn với xây dựng nông thôn mới chưa được đánh giá tổng thể, phát huy lợi thế từng vùng; hệ thống kênh tưới, tiêu chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là cây trồng cạn; một số công trình kiên cố hóa kênh mương chưa phát huy hiệu quả, nguồn vốn đầu tư; công tác quản lý, khai thác công trình nước sạch và VSMTNT còn bất cập về vốn, cơ chế chính sách,...nên chất lượng, hiệu quả sử dụng thấp, xã hội hóa công tác cấp nước sạch và VSMTNT chậm được triển khai.

Tỷ lệ vốn ngân sách cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, còn cao, vốn đóng góp nhân dân, doanh nghiệp còn thấp so với yêu cầu; chương trình chưa có sự đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của người dân nông thôn; các mô hình, phương pháp sáng tạo nhưng việc tổng kết, nhân rộng còn hạn chế; chưa thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Nhằm phát huy những kết quả bước đầu về tái cơ cấu nông nghiệp, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, thời gian tới cần xác định tái cơ cấu phải theo lộ trình hội nhập và thời gian cụ thể. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức các ngành, các cấp về Tái cơ cấu nông nghiệp; Tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch nhằm đảm bảo sự phù hợp giữa các quy hoạch và phù hợp với đề án Tái cơ cấu nông nghiệp; tăng cường quản lý và thực hiện tốt các quy hoạch. Tập trung phát triển đối với từng lĩnh vực, sản phẩm cụ thể; ở mỗi ngành sẽ quy định quy mô, không gian phát triển nhằm phát huy được lợi thế so sánh với từng sản phẩm trong vùng và liên kết vùng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu; Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả;  Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ; Thực hiện tái cơ cấu đầu tư công; Đẩy mạnh đào tạo nghề nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực....

Năm 2020, Tây Ninh phấn đấu GTSX nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 4,5%/năm. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 16,3% (nếu tính cả độ che phủ cây cao su trên địa bàn đạt 36,2%).Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 50% số xã trên địa bàn tỉnh (tương ứng 40 xã). Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 98%.​
 

TH


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây