Tây Ninh thực hiện Kế hoạch Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

Thứ tư - 11/10/2017 08:00 126 0
Theo Kế hoạch số 2653/KH-UBND ngày 04/10/2017 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, mục tiêu của việc thực hiện Kế hoạch nhằm phấn đấu đến năm 2020, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), phòng tránh thiên tai (PTTT), giảm phát thải khí nhà kính (KNK).

Đến năm 2050, chủ động ứng phó với BĐKH, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát BĐKH. Hình thành ý thức cho người dân chủ động PTTT, thích ứng với BĐKH. Lồng ghép phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện của tỉnh. Giảm thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra. Giảm mức phát thải KNK trên đơn vị GDP từ 8 - 10% so với năm 2010.

Theo đó, Kế hoạch tập trung nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải KNK, trong đó, Điều tra, kiểm kê, xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp với thực tế tại địa phương. Tiếp tục thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK trên địa bàn tỉnh và trao đổi tín chỉ các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon toàn cầu. Ưu tiên thực hiện chương trình giảm phát thải KNK thông qua các biện pháp chống mất rừng, suy thoái rừng và tạo sinh kế cho người dân.  Đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đối với nhiệm vụ thích ứng với BĐKH sẽ nâng cao năng lực giám sát BĐKH, dự báo, cảnh báo thiên tai. Thường xuyên cập nhật, hoàn thiện kịch bản BĐKH, nước biển dâng trên địa bàn tỉnh cho giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.  Chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH. Nâng cao kiến thức, năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị tác động của thiên tai. Ứng dụng công nghệ thích ứng BĐKH trong xây dựng đô thị, phát triển, sử dụng năng lượng, giao thông, vật liệu xây dựng, thoát nước...Có phương án chủ động xử lý tình huống xấu nhất do thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống dịch bệnh. Phát huy trách nhiệm và huy động các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tích cực tham gia phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH. Thực hiện chương trình nâng cấp, bảo đảm an toàn hồ chứa nước Dầu Tiếng. Nâng cấp các đoạn đê xung yếu, đẩy mạnh việc phục hồi, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn.  Bảo vệ không gian thoát lũ sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông, cải tạo và xây dựng mới các công trình cấp, thoát nước và xử lý nước thải của các đô thị trên địa bàn tỉnh.

Về nhiệm vụ chuẩn bị nguồn lực, Xây dựng, triển khai chương trình đào tạo lại cán bộ, viên chức, người lao động đáp ứng nhu cầu thực hiện Thỏa thuận Paris. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thực hiện Thỏa thuận Paris trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Áp dụng thử nghiệm một số công nghệ ứng phó với BĐKH có tiềm năng và phù hợp với điều kiện địa phương.  Rà soát, đề xuất các cơ chế chính sách Khuyến khích nghiên cứu,chuyển giao công nghệ về BĐKH; củng cố các cơ quan nghiên cứu về BĐKH đầu ngành; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, trao đổi công nghệ. Xây dựng Khung Huy động nguồn lực cho BĐKH và tăng trưởng xanh (TTX) bao gồm khu vực tư nhân; kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với Thỏa thuận Paris, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Đề xuất danh mục các dự án ứng phó với BĐKH và TTX, Ưu tiên dự án thực hiện các cam kết trong Sáng kiến Đối tác Đóng góp Quốc gia tự quyết định (NDC), có khả năng huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, chú trọng các dự án phát triển năng lượng tái tạo huy động nguồn lực từ khối tư nhân, hỗ trợ quốc tế.

Kế hoạch tập trung nhiệm vụ thiết lập hệ thống công khai, minh bạch (MRV), định kỳ xây dựng Thông báo thích ứng Quốc gia bao gồm cả tiến độ đạt được mục tiêu thích ứng trong NDC và nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện chính sách, thể chế, theo đó, tiếp tục triển khai lồng ghép các vấn đề BĐKH và TTX vào trong các chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình Ưu tiên cho đầu tư phát triển. Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bảo đảm có đầu mối xử lý các vấn đề BĐKH. Tăng cường điều phối giải quyết các vấn đề liên ngành trong ứng phó với BĐKH.

Kế hoạch đề ra các giải pháp thực hiện như tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK. Đa dạng hóa hình thức, đổi mới nội dung, xác định các đối tượng ưu tiên để tuyên truyền, giáo dục; đưa nội dung thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK vào chương trình đào tạo các cấp học phổ thông, đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý.  Phổ biến kinh nghiệm, xây dựng năng lực, kỹ năng PTTT, thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK cho mọi người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK. Chú trọng nghiên cứu khoa học về thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK. Nghiên cứu phát triển và tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến cho thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK. Tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ mới, tiên tiến trên nền tảng công nghệ thông tin trong dự báo, cảnh báo, điều tra, đánh giá, thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK. Xây dựng và thực hiện chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp tỉnh để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu về thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK.

Tăng cường quản lý nhà nước về thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK.  Nghiên cứu, rà soát, đánh giá việc kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực theo hướng tổng hợp, thống nhất, tập trung đầu mối, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, khắc phục triệt để tình trạng phân tán, chồng chéo trong quản lý nhà nước về thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK.  Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng; cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hoá; cơ chế để nhân dân giám sát có hiệu quả việc thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK.

Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực cho thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK. Kết hợp tăng chi từ ngân sách với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nguồn vốn ưu đãi cho thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK. Hằng năm ưu tiên bố trí ngân sách phù hợp cho công tác điều tra cơ bản, thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK. Ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH. Bảo đảm sử dụng minh bạch, đúng mục đích và hiệu quả nguồn vốn ODA và các nguồn hỗ trợ quốc tế khác. Thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK.

Coi trọng hợp tác, hội nhập quốc tế về thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK. Chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế; coi trọng việc tham gia và thực hiện các Điều ước quốc tế. Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đối thoại chính sách với các nước về thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK. Tiếp cận công nghệ mới và huy động nguồn lực cho giảm phát thải KNK, thích ứng với BĐKH.

Từ các mục tiêu trên, Ủy ban nhân dân huyện giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực giúp UBND Tỉnh chỉ đạo thực hiện kế hoạch. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND huyện/thành phố có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch. Theo Kế hoạch được phê duyệt, tính toán kinh phí cần thiết tổng hợp kế hoạch vốn hàng năm gửi UBND tỉnh.Điều phối chung các hoạt động về thông tin, giáo dục và truyền thông liên quan đến BĐKH. Định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Kế hoạch, đề xuất UBND tỉnh giải quyết các vấn đề phát sinh. Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch. Hướng dẫn, giám sát và đánh giá việc thực hiện Kế hoạch.

Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân bổ ngân sách và thẩm định kinh phí thực hiện các dự án theo Kế hoạch.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí vốn đầu tư theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ khác.

Các sở, ban ngành liên quan như Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông và Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Sở Y tế; Sở Thông tin và Truyền thông; Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, Ban quản lý Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát, Công an tỉnh, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Tây Ninh theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án, dự án thuộc phạm vi trách nhiệm đơn vị quản lý.

UBND các huyện, thành phố trên cơ sở các chương trình, đề án, dự án, xây dựng các dự án cụ thể xác định các nội dung cần ưu tiên, tổ chức triển khai thực hiện.

 Các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp, doanh nghiệp khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp và doanh nghiệp tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động tham gia vào các hoạt động ứng phó với BĐKH, đặc biệt là lĩnh vực thông tin, giáo dục và truyền thông; hỗ trợ và huy động sự tham gia của cộng đồng, phổ biến kinh nghiệm các mô hình ứng phó hiệu quả với BĐKH; thực hiện hoặc tham gia thực hiện các đề án, dự án trong kế hoạch.

​“Thỏa thuận Paris về BĐKH đã được các quốc gia thông qua tại COP 21 là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên quy định trách nhiệm ứng phó với BĐKH của tất cả các Bên. Trọng tâm của Thỏa thuận Paris là đưa ra các quy định liên quan đến trách nhiệm xây dựng và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định của mỗi Bên tham gia Công ước Khí hậu. Cho đến nay, Thỏa thuận đã được 195 nước ký, 155 nước phê chuẩn trong tổng số 197 Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về BĐKH. Thỏa thuận Paris đã chính thức có hiệu lực từ ngày 4 tháng 11 năm 2016.
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do BĐKH, Việt Nam đã chủ động và tích cực xây dựng Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (viết tắt là INDC) của mình và đệ trình INDC lên Ban thư ký Công ước khung của Liên Hợp quốc về BĐKH vào tháng 09 năm 2015.
Theo INDC của Việt Nam, “Đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế. Đồng thời, Việt Nam sẽ thực hiện nhiều hoạt động thích ứng giúp tăng khả năng chống chịu với BĐKH tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính”.
Sau khi Chính phủ phê duyệt Thỏa thuận Paris ngày 31 tháng 10 năm 2016, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện các cam kết của mình do Thỏa thuận Paris quy định. Và để triển khai thực hiện các nghĩa vụ của mình, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH.
Tại Văn bản số 199/TTg-QHQT ngày 08 tháng 02 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch cụ thể triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ; chủ động lồng ghép các vấn đề ứng phó với BĐKH vào các kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tập huấn tại ba miền Bắc, Trung, Nam nhằm triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Theo http://www.imh.ac.vn (Viện khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu)

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây