Tây Ninh tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác đảm bảo VSATTP: Kiên quyết xử lý mạnh những vi phạm về VSATTP

Thứ sáu - 29/04/2016 09:00 44 0
Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra vào hôm ngày 27.4 với nhiều nội dung quan trọng trong việc tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Tham dự tại điểm cầu Tây Ninh có Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cùng đại diện lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể của tỉnh.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Tại hội nghị, Văn phòng Chính phủ đã thông qua báo cáo tình hình và những giải pháp chính nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát theo phạm vi công việc được phân công, tập trung xử lý các vấn đề trọng tâm, nổi cộm và đã đạt kết quả nhất định.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi về cơ bản đã được khống chế. Nguồn nhập khẩu và kinh doanh chất Salbutamol của các công ty dược đã được Bộ Y tế quản lý chặt chẽ hơn, đưa vào danh mục các chất quản lý đặc biệt. Đến thời điểm hiện tại, số vụ vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với các trang trại đã giảm đáng kể (tháng 1.2016 là 9,8%; tháng 2.2016 là 1,46%; tháng 3.2016 là 0,66%).

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2015 đã có 20.641 đoàn thanh tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 344.657 cơ sở, phát hiện 77.946 cơ sở vi phạm. Trong quý I năm 2016, các đoàn kiểm tra 109.195 cơ sở, phát hiện 20.572 cơ sở vi phạm, chiếm 18,8%, giảm 1.6% so với cùng kỳ. Qua báo cáo của các Bộ cho thấy, nguy cơ không bảo đảm ATTP xảy ra nhiều tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nhất là tại các hộ nông dân, trang trại nhỏ.

Tại Tây Ninh, trong năm 2015, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã thanh, kiểm tra 5.981 cơ sở kinh doanh thực phẩm, đạt tỷ lệ 85,65%. Trong đó có 1.265 cơ sở vi phạm với số tiền phạt gần 1 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: sản phẩm không rõ nguồn gốc, giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm hết hạn, điều kiện vệ sinh cơ sở không đạt, hàng hóa hết hạn sử dụng, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu...

Trong khi phương thức vi phạm VSATTP ngày càng đa dạng, phức tạp thì công tác đảm bảo VSATTP các cấp vẫn gặp nhiều khó khăn như: Khâu tổ chức thực hiện bảo đảm ATTP còn nhiều hạn chế; một số địa phương chưa quan tâm và thiếu tập trung trong quản lý ATTP, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm ngay trên địa bàn mình quản lý; nhiều ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tại địa phương (được tổ chức tại cấp tỉnh, cấp huyện) hoạt động chưa hiệu quả; nguồn lực ở một số địa phương phục vụ cho công tác này còn hạn chế; chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm...

Kiểm tra VSATTP tại một cơ sở sản xuất bánh ngọt- Ảnh minh hoạ

Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thời gian tới, các bộ, cơ quan đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 Chỉ thị về bảo đảm ATTP với nhiều giải pháp mới, quyết liệt và cụ thể gắn với đề cao trách nhiệm của các cơ quan, công chức Nhà nước. Một số giải pháp chính trong đề xuất: Đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là của chính quyền địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện an toàn thực phẩm; Phát huy vai trò của nhân dân trong việc đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm ATTP...

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lắng nghe lãnh đạo các tỉnh, thành phố trọng điểm trong cả nước chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong công tác đảm bảo VSATTP và ý kiến đóng góp của các bộ, ngành có liên quan.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh VSATTP là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến giống nòi, uy tín quốc tế của nước Việt Nam, do đó cần phải tăng cường quản lý chặt chẽ.

Để công tác này đạt kết tốt hơn, Thủ tướng yêu cầu hệ thống chính trị các cấp phải vào cuộc để cùng với các cấp chính quyền làm tốt công tác đảm bảo VSATTP cho nhân dân; thông qua các ban ngành, đoàn thể ở địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền VSATTP, nhân rộng vấn đề từ sản xuất đến tiêu dùng, tố giác tội phạm đến xử nghiêm những vi phạm; làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức đứng đầu khi xảy ra trường hợp vi phạm trên địa bàn; kiện toàn Ban chỉ đạo của tỉnh, thành phố và có quy chế làm việc rõ ràng; đảm bảo nguồn kinh phí kiểm tra tiêu hủy, trang bị phương tiện xử lý, bồi dưỡng lực lượng, kịp thời khen thưởng động viên nhân dân và truyền thông.

Ngoài ra, công tác xử lý vi phạm phải kiên quyết và mạnh mẽ hơn. Tùy theo mức độ vi phạm có thể xử hành chính ở mức cao nhất, thậm chí xử lý hình sự nếu cần thiết. Kể cả nông dân nghèo, tiểu thương nhỏ lẻ nếu vi phạm trong việc sử dụng chất cấm hoặc buôn bán gian lận đều phải bị xử phạt; tập trung quản lý ngành thực phẩm tươi sống có tác dụng trực tiếp đến sức khỏe của người dân...

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây