Tại tỉnh Tây Ninh, Hội nghị được tổ chức tại Hội trường Văn phòng UBND tỉnh. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh có ông Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, ông Nguyễn Thái Sơn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan và các đơn vị trực thuộc ngành Nông nghiệp.
Tại Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thông qua báo cáo tổng kết công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm năm 2016 và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2017. Trong 5 năm liên tục (2011 – 2015), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai Năm chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, đặc biệt năm 2016 được Bộ chọn là "Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Cả nước đã có 50 tỉnh xây dựng thành công 444 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc; thanh tra, kiểm tra 29.214 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y,... phát hiện và xử lý 3.877 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt hành chính là 21.964 triệu đồng; thanh tra, kiểm tra 21.364 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, phát hiện, xử lý 1.923 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt hành chính là 6.692 triệu đồng; đã đưa ra khỏi danh mục 300 loại thuốc bảo vệ thực vật có ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường và sản xuất nông nghiệp; loại bỏ 2 loại thuốc trừ cỏ; tiêu hủy gần 8 tấn thuốc trừ sâu buôn bán qua đường biên giới không chính ngạch.
Các mục tiêu chính của Kế hoạch Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2017 là: nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Một số kết quả cụ thể cần đạt được là: đến cuối năm 2017, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; tỷ lệ tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm thịt, thủy sản; và tỷ lệ ô nhiễm vi sinh trong thịt giảm 10% so với năm 2016. Tỷ lệ cơ sở kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (xếp loại A, B) tăng 10% so với năm 2016. Ngoài ra, mục tiêu là 100% các tỉnh, thành phố nhân rộng chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn và tổ chức kiểm tra, giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn, công khai tại nơi bày bán cho người tiêu dùng.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố Hồ Chí Minh, nổi bật là ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc của sản phẩm thịt lợn và 21 liên kết chuỗi sản phẩm với các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long để hình thành 97 chuỗi sản phẩm. Bộ trưởng cũng đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai tích cực các giải pháp, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương nhóm giải pháp tổng thể để thực hiện Chỉ thị 11 của Ban Bí thư, Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ cũng như tinh thần của Luật An toàn thực phẩm về vệ sinh an toàn thực phẩm; tập trung vào 2 chương trình trọng điểm là chương trình Tái cơ cấu nông nghiệp và chương trình Xây dựng nông thôn mới, lấy an toàn thực phẩm làm mục tiêu và giải pháp đồng thời là điều kiện để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hướng tới hội nhập.
KGVX