Tây Ninh triển khai Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015

Thứ ba - 07/07/2015 11:00 60 0
Trong 5 năm thực hiện Chương trình quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015; tỉnh Tây Ninh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức, người lao động về công tác bình đẳng giới.

Ngày 22/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1241/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2015. Mục tiêu của Chương trình tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức nhằm thúc đẩy toàn xã hội thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới; từng bước thu hẹp khoảng cách giới và nâng vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực còn bất bình đẳng hoặc nguy cơ bất bình đẳng giới cao, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động  Thương binh và Xã hội về việc đánh giá tình hình triển khai Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015. Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình gồm: Quyết định số 1756/QĐ-UBND ngày 30/8/2011 của UBND tỉnh về việc kiện toàn Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh; Quyết định số 2729/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2012 - 2015. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội - Thường trực Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh, Sở phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới tại các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình, qua đó nắm bắt những thông tin và xác định nguyên nhân khó khăn trong việc triển khai thực hiện tại địa phương để kịp thời chỉ đạo đáp ứng yêu cầu đề ra.

Trong 5 năm thực hiện Chương trình quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015; tỉnh Tây Ninh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức, người lao động về công tác bình đẳng giới. Cụ thể, Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành tổ chức các hoạt động tuyên truyền: Tổ chức 02 đợt thi tìm hiểu "Pháp luật về bình đẳng giới" có 56 đội tham gia là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, trường học và lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh; tổ chức diễn đàn "Phẩm chất đạo đức người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá" với 550 người tham gia; tổ chức tọa đàm "Bình đẳng giới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá" với 200 đại biểu tham gia; tổ chức 02 cuộc hội thảo về "Vai trò của nam và nữ trong gia đình" với 300 người tham gia; Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xuất bản 1.500 cuốn bản tin nội bộ Vì sự tiến bộ phụ nữ với nội dung "Bình đẳng giới là hạnh phúc của mỗi gia đình là nền tảng của xã hội văn minh". Hưởng ứng cuộc thi "Tìm hiểu chính sách, pháp luật về Bình đẳng giới" năm 2012 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Vụ Bình đẳng giới phát động có 1875 bài dự thi của tập thể và các thí sinh trên địa bàn toàn tỉnh. Lắp đặt 20 Panô tuyên truyền về công tác bình đẳng giới tại các trung tâm của các huyện, thành phố. Tổ chức 40 buổi nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới ở các xã, phường, thị trấn và trong các trường học với 2.695 học sinh tham dự.

Công tác in và phát hành cũng được chú trọng; đã thực hiện in 2.000 cuốn sổ tay công tác Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; xuất bản 1.500 đĩa DVD tuyên truyền hình ảnh, các tiểu phẩm và các hoạt động về Bình đẳng giới nhằm tuyên tuyền rộng rãi trong các buổi hội nghị, tập huấn, sinh hoạt cho cán bộ và nhân dân thực hiện Luật bình đẳng giới. Nhân bản và phát hành trên 60.000 cuốn Luật Bình đẳng giới và các loại tờ rơi tuyên truyền về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ. Nhân bản và phát hành 15.000 cuốn hỏi đáp về bình đẳng giới và hỏi đáp về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ trong lĩnh vực lao động.

Trong giai đoạn 2011-2015, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã chủ trì, xây dựng kế hoạch và tổ chức  được 36 lớp tập huấn về nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, đội ngũ cộng tác viên làm công tác bình đẳng giới ở các ấp khu phố với 3.250 người tham dự với nội dung tìm hiểu Luật Bình đẳng giới và các chuyên đề về giới, lồng ghép giới trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác bình đẳng giới ở một số tỉnh bạn; Tham dự các lớp tập huấn cũng như dự các cuộc Hội thảo, hội nghị do Trung ương tổ chức nhằm nâng cao kiến thức về bình đẳng giới cũng như công tác lồng ghép giới. Đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh về công tác bình đẳng giới được đào tạo tập huấn hàng năm do Vụ Bình đẳng giới tổ chức. Các nội dung tập huấn về nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới được biên soạn lại từ tài liệu hướng dẫn của Trung ương để phù hợp với tình hình của địa phương. Từ đó, qua các lớp tập huấn đã đáp ứng được nhu cầu nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở về công tác bình đẳng giới.

Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền công tác bình đẳng giới của tỉnh Tây Ninh được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, để cho giới nam và nữ được hưởng đầy đủ các quyền của mình theo quy định của Luật bình đẳng giới. Các cấp uỷ đảng, chính quyền đã tuyên truyền sâu rộng trong CBCCVC và quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức thích hợp, chú trọng nội dung và hình thức tuyên truyền trên báo, đài, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật bình đẳng giới, sinh hoạt các câu lạc bộ ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn cộng đồng… Qua tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác bình đẳng giới, đã có những tác động tích cực trong nhận thức và hành động, giúp cho cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, đội viên và quần chúng nhân dân hiểu biết và thực hiện đúng Luật bình đẳng giới, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.

Việc triển khai thực hiện các vấn đề liên quan tới công tác bình đẳng giới đã được lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện lồng ghép vào từng hoạt động của cơ quan, đơn vị đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn tỉnh. Công tác phối hợp liên ngành thực hiện Chiến lược, Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới bước đầu đã đạt được những hiệu quả nhất định, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi một số chỉ tiêu của Kế hoạch hành động về bình đẳng giới góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

 

                                                                                                                 Kim Hà

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây