Du khách nước ngoài tham quan Tòa thánh Tây Ninh.
Dự án sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, được triển khai để khắc phục một số vấn đề về du lịch đang cản trở sự tăng trưởng toàn diện. Dự án được thực hiện từ năm 2014 và sẽ kết thúc vào năm 2019.
Tác động của dự án được mong đợi là sẽ phát triển hoạt động du lịch bền vững, giảm đói nghèo, gia tăng và phân bổ công bằng hơn các lợi ích kinh tế tại Việt Nam.
Mục tiêu của dự án hướng đến việc tăng thu nhập cho người dân sinh sống tại các vùng kém phát triển thuộc hành lang ven biển Tiểu vùng sông Mê Kông, các vùng ven biên giới của Việt Nam, cụ thể là các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Hà Tĩnh, Tây Ninh và Kiên Giang.
Dự án cũng tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng và cải tạo vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch; tạo điều kiện cho du khách tiếp cận các điểm du lịch; thuận lợi cho hoạt động du lịch phát triển thông qua các đường biên giới trên bộ và dọc theo các hành lang kinh tế.
Dự án còn góp phần tăng cường công tác bảo vệ và bảo tồn những di sản thiên nhiên, di sản văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch của từng địa phương cũng như trên cả nước; xây dựng năng lực, kỹ năng quản lý cho cán bộ trong ngành du lịch và các ngành có liên quan; hỗ trợ về phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, cũng như khu vực tư nhân ở các địa phương.
Cáp treo Núi Bà.
Dự án có 4 cấu phần, gồm cải thiện hạ tầng cơ sở du lịch; cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường tại các khu du lịch gần biên giới; nâng cao năng lực thể chế nhằm thúc đẩy và quản lý tăng trưởng du lịch toàn diện; thực hiện dự án hiệu quả và công tác quản lý.
Riêng Tây Ninh chỉ thực hiện 2 cấu phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường tại các khu du lịch gần biên giới, và nâng cao năng lực thể chế nhằm thúc đẩy, quản lý tăng trưởng du lịch toàn diện.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung cải thiện môi trường, cảnh quan và các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật tại Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, nâng cấp toàn diện, tăng khả năng tiếp đón và chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch hành hương đến Núi Bà.
Thực hiện cấu phần này, Tây Ninh hướng đến mục tiêu cải tạo và xử lý các vấn đề trọng yếu liên quan đến môi trường của toàn khu vực, nhằm thu hút khách du lịch cũng như cải thiện điều kiện sống, sức khỏe cho người dân địa phương và du khách đến tham quan.
Cụ thể như việc mở rộng mặt bằng sân chùa Bà với diện tích khoảng 3.000m2. Một số công trình phụ trợ khác cũng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo và mua sắm như: hệ thống thoát nước cho toàn khu du lịch; trung tâm thông tin du lịch; nâng cấp tay vịn đường đi bộ; nâng cấp hệ thống chiếu sáng; khu vệ sinh công cộng; thùng đựng rác; xe ô tô chở rác; trạm y tế...
Khách hành hương lên Chùa Bà (Khu du lịch Núi Bà) bằng đường bộ.
Đối với cấu phần nâng cao năng lực thể chế, tỉnh thực hiện một số nội dung chính như: tăng cường thể chế cho các cơ quan quản lý điểm đến (DMO); chuẩn bị các kế hoạch quản lý điểm đến (DMP); chương trình quản lý, quảng bá và bảo tồn di sản; thúc đẩy hình thức đầu tư theo hợp tác công - tư (PPP); phát triển doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ liên quan đến du lịch; quảng bá và tiếp thị điểm đến...
Theo đánh giá của Ban thực hiện Dự án, đến nay, dự án đã mang lại hiệu quả tích cực cho quá trình phát triển du lịch của địa phương, tạo tiền đề để khu du lịch núi Bà Đen trở thành điểm đến của du khách trong nước và quốc tế.
Theo BTNO