Các chỉ tiêu giải quyết việc làm, dạy nghề; chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện kịp thời; Công tác giảm nghèo được các huyện, thành phố tích cực triển khai ngay từ đầu năm, các chính sách hỗ trợ người nghèo được thực hiện đạt kết quả. Chính sách đối với người có công tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm.
Tiếp tục thực hiện Chương trình giải quyết việc làm giai đoạn 2013-2015 của tỉnh, ngành đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động. Thông qua các sàn giao dịch việc làm từng bước phát triển thị trường lao động, tạo cơ hội cho người lao động, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo tiếp cận về thông tin thị trường đầy đủ hơn. Năm 2015, các phiên giao dịch việc làm của tỉnh đã tư vấn việc làm và học nghề cho 12.911 lao động; giới thiệu cung ứng lao động trong nước cho 2.911 lao động; Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm đã cho vay 661 dự án với số tiền 24.095 triệu đồng, tạo điều kiện việc làm cho 3.680 lao động; các tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giải quyết được 153 lao động.
Bên cạnh đó, ngành đã giải quyết kịp thời các chế độ chính sách như giải quyết hồ sơ mới các loại cho 1.994 đối tượng, mua BHYT cho đối tượng người có công, thân nhân người có công: 158.303 lượt thẻ; đảm bảo chi trả trợ cấp hàng tháng cho đối tượng người có công theo quy định; phối hợp các sở, ban ngành liên quan tổ chức Lễ tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "" 2 đợt cho 453 mẹ (phong tặng: 38; truy tặng: 415) và tiếp tục giải quyết hồ sơ đề nghị mới.
Công tác giảm nghèo được ngành Lao động Thương binh và Xã hội tích cực triển khai thực hiện. Đầu năm 2015, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh là 9.391 hộ, chiếm tỉ lệ 3,27% tổng số hộ. Trong đó, số hộ nghèo theo chuẩn Trung ương 3.513 hộ, chiếm tỷ lệ 1,22%; số hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương 3.325 hộ, chiếm tỷ lệ 1,16%; số hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh 2.553 hộ, chiếm tỷ lệ 0,89%. Ước đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh còn 1,59%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết. Các chính sách đặc thù của tỉnh đã tạo điều kiện trong việc chăm lo cho người nghèo, đối tượng chính sách xã hội về vật chất và tinh thần góp phần phát triển sản xuất, tăng thu nhập và hướng tới thoát nghèo bền vững, tạo được sự đồng thuận trong các ngành, các cấp và nhân dân đóng góp tích cực vào chính sách an sinh xã hội của tỉnh. Trong đó, chính sách hỗ trợ về giáo dục đào tạo với việc miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, đã giảm bớt khó khăn cho con em thuộc hộ gia đình cận nghèo, nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh khi đi học; chính sách hỗ trợ đóng BHYT góp phần gia tăng tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, năm 2015, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh duyệt cho 2.748 lượt hộ nghèo được vay vốn với tổng số tiền 46.783,6 triệu đồng; 5.688 lượt hộ cận nghèo được vay vốn với tổng số tiền 117.637,9 triệu đồng. Các chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm vừa hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, người nghèo, vừa ưu tiên tập trung nguồn lực giảm nghèo nhanh và bền vững đối với những địa bàn khó khăn đã được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh, với nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn huy động từ cộng đồng, các nhà hảo tâm và từ sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của chính bản thân hộ nghèo đã cải thiện đáng kể cuộc sống của hộ nghèo, nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo cơ bản, vươn lên khá giả và làm giàu chính đáng. Nhiều xã thuộc diện đặc biệt khó khăn đã có sự thay đổi đáng kể, nhất là về cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất; đời sống của đại đa số người dân được nâng cao, đặc biệt là số hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, đã tạo được sự đồng thuận rất cao trong xã hội, tạo niềm tin đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, kết quả thực hiện tương đối hiệu quả, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm đạt tương đối. Năm 2015, toàn tỉnh đã mở được 140 lớp với số lao động được học nghề là 4.295 người đạt 100,70% so với kế hoạch 136 lớp/4.265 học viên, số nghề đã đào tạo cho lao động nông thôn là 21 nghề, gồm: Trồng nấm các loại, trồng rau sạch, khai thác mủ cao su, kỹ thuật trồng gừng, kỹ thuật trồng lúa, kỹ thuật nuôi gia cầm, kỹ thuật nuôi heo, kỹ thuật chăm sóc cây cảnh, kỹ thuật nấu ăn, bảo vệ thực vật và quản lý dịch hại tổng hợp, kỹ thuật nuôi bò, kỹ thuật nuôi ếch, kỹ thuật trồng bắp, kỹ thuật trồng mè, kỹ thuật trồng ớt, kỹ thuật trồng cây ăn quả, lái xe ô tô hạng B2, kỹ thuật nấu ăn, cắt uốn tóc làm móng, thợ hồ, may công nghiệp, nấu ăn cho trẻ. Lao động nông thôn đã tốt ngiệp khóa học là: 2.392 học viên, trong đó có việc làm sau khi học nghề: 1.910 học viên (So với số học viên đã tốt nghiệp 1.910/2.392 đạt tỷ lệ 79,84).
Minh Đài