Các đại biểu tham dự hội thảo
Đồng chí Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến dự.
Đồng chí Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì buổi hội thảo.
Đến dự hội thảo có đại diện các cơ quan chức năng, lãnh đạo phòng kinh tế, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.
Tại hội thảo, Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lê Thị Kiều Trang cho biết, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện nay có 10 công ty sản xuất và 465 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với 2.824 sản phẩm lưu thông trên địa bàn tỉnh (trong đó, khoảng 164 sản phẩm của công ty trong tỉnh, 2.660 sản phẩm của công ty sản xuất ngoài tỉnh). Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chú trọng. Chi cục đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân để nâng cao nhận thức và cách phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ,... Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nêu cao tinh thần tự nguyện, tự giác thực hiện đúng quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.
Tính đến 15/5/2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã cấp 465 giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, 465 giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), đồng thời quản lý đảm bảo việc duy trì điều kiện đối với các cơ sở buôn bán phân bón, thuốc BVTV đã được cấp giấy chứng nhận. Từ đầu năm 2022, mở hai lớp bồi dưỡng chuyên môn về thuốc BVTV và phân bón với hơn 100 học viên tham dự; tiếp nhận 31 hồ sơ công bố hợp quy phân bón, 13 hồ sơ công bố hợp quy thuốc BVTV.
Nhìn chung các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV thực hiện tốt các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên trong quá trình kiểm tra vẫn còn một số cơ sở vi phạm các lỗi như: bảng niêm yết giá không cập nhật thường xuyên, chưa đảm bảo các quy định về cách sắp xếp phân bón, thuốc BVTV; dụng cụ phòng cháy chữa cháy, bảo hộ lao động,…
Theo Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tây Ninh để nâng cao công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, thời gian tới, cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý là Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và cả trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV. Trong đó, chỉ buôn bán phân bón, thuốc BVTV sau khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, thuốc BVTV; thường xuyên duy trì, đảm bảo các điều kiện trong buôn bán; không bán thuốc BVTV chung với các loại hàng hóa là thuốc y tế, lương thực, thực phẩm,...
Theo đồng chí Trần Bạch Phát - Phó Chánh Thanh tra Sở, năm 2021, đơn vị đã thực hiện thanh tra 8 cuộc tại 102 công ty sản xuất, cơ sở kinh doanh; đã xử phạt vi phạm hành chính 14 cơ sở vi phạm kinh doanh sản phẩm phân bón, BVTV với số tiền 100 triệu đồng. Đối với vi phạm về chất lượng, đã xử phạt vi phạm hành chính 35 cơ sở phân bón, BVTV với số tiền hơn 575 triệu đồng.
Trong quý I năm 2022, thực hiện 2 cuộc tại 37 công ty sản xuất, cơ sở kinh doanh (trong đó 01 công ty sản xuất phân bón). Kết quả đã xử phạt vi phạm hành chính 05 cơ sở vi phạm kinh doanh sản phẩm phân bón với số tiền 143 triệu đồng; 3 cơ sở vi phạm kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật với số tiền 7,5 triệu đồng. Về chất lượng sản phẩm, xử phạt vi phạm hành chính 16 cơ sở phân bón với số tiền gần 400 triệu đồng; 5 cơ sở kinh doanh BVTV với số tiền 16 triệu đồng.
Qua kiểm tra thực tế cho thấy, việc xử lý dứt điểm những vi phạm còn gặp khó khăn do công ty sản xuất ở ngoài tỉnh. Công ty sản xuất, cơ sở kinh doanh sản phẩm giả, kém chất lượng hoạt động ngày càng tinh vi. Các cơ sở kinh doanh (nhất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) còn kinh doanh các sản phẩm hết hạn, sản phẩm ngoài doanh mục cho phép sử dụng.
Do đó, cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm, áp dụng triệt để các hình thức phạt bổ sung, khắc phục hậu quả khi xử lý, truy xuất nguồn gốc, công bố vi phạm trên cổng thông tin điện tử. Song song đó, Nhà nước cần có giải pháp hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo công tác xử lý các vi phạm đủ sức răn đe và theo hướng bảo vệ cho người tiêu dùng.
Đại diện HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc, huyện Tân Biên nêu ý kiến
Các hợp tác xã trên địa bàn cho rằng giá phân bón tăng cao dẫn đến phân bón giả, kém chất lượng, do đó, cần quản lý tốt từ khâu phân phối và hệ thống bán lẻ kinh doanh phân bón đến tận gốc là công ty sản xuất. Với những cơ sở làm tốt cần được tuyên dương để động viên, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Có nông dân đề nghị, nhà sản xuất nên quan tâm đến chất lượng phân bón, thuốc BVTV, hãy vì lợi ích lâu dài của cả đôi bên để cùng song hành cùng nhau, xây dựng nên nền nông nghiệp phát triển bền vững; có ý kiến đề nghị khi xử lý đại lý, công ty vi phạm, cần có sự hỗ trợ đối với nông dân bị thiệt hại khi sử dụng phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng.
Đồng chí Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, cả nước hiện có 841 cơ sở sản xuất phân bón, 85 cơ sở thuốc BVTV, khoảng 33.000 đại lý kinh doanh hai mặt hàng này. Các cơ sở sản xuất hai loại vật tư này chủ yếu trên địa bàn các tỉnh phía Nam, nhất là TP.HCM, Đồng Nai, An Giang.
Qua hội thảo cho thấy tình hình vi phạm về kinh doanh phân bón, thuốc BVTV của Tây Ninh tương tự như các tỉnh trong khu vực, cả nước; tập trung vi phạm về điều kiện kinh doanh, nhãn hàng hóa. Năm 2021, vi phạm về sản xuất kinh doanh phân bón chiếm 31,1%, vi phạm về thuốc BVTV chiếm 6,2%. Với sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục đã phối hợp thực hiện một số biện pháp nâng cao công tác quản lý các mặt hàng này, nhất là quy định về kiểm định chất lượng sản phẩm; tăng cường tập huấn cán bộ khung sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả cũng như sử dụng phân bón hiệu quả, tiết kiệm; xây dựng mã số vùng trồng.
Đánh giá cao Tây Ninh thực hiện khác tốt công tác này, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đề nghị thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra vật tư nông nghiệp trên địa bàn, quan tâm công tác nhân sự của cơ quan thanh tra ngành đảm bảo công tác thanh tra trên địa bàn.
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cũng đồng tình với tỉnh thực hiện biện pháp đưa lên phương tiện truyền thông các cơ sở, công ty vi phạm để xử lý tận gốc; lưu ý với nông dân khi mua vật tư nông nghiệp cần lấy hóa đơn làm cơ sở để xử lý sau này nếu có xảy ra vi phạm; đồng thời khuyến khích nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, tiết kiệm, hiệu quả góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đồng chí Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội thảo
Kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, qua kiểm tra cho thấy, có khoảng 30% phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng đang lưu hành trên thị trường tỉnh. Qua các ý kiến phân tích tại hội thảo đã đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu, từ nay đến cuối năm, các đơn vị, địa phương, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh thực hiện các biện pháp thực hiện mục tiêu kéo giảm một nửa tỷ lệ phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng hiện nay. Để thực hiện được mục tiêu này, cần sự hợp tác, phối hợp của các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để thay đổi tình hình hiện nay. Riêng các cơ sở, đại lý kinh doanh phân bón, thuốc BVTV cần đặt chữ tín lên hàng đầu để kinh doanh lâu dài, góp phần ổn định thị trường vật tư nông nghiệp và nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp và chất lượng nông sản của tỉnh nhà; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho con người và môi trường sinh thái.
Hoàng Giang